Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, bây giờ không phải thời gian để tranh cãi diện tích bao nhiêu, căn hộ 1 phòng ngủ hay 2 phòng ngủ, nhà nhỏ quá có làm nghẽn tắc đô thị hay không. Nếu cứ bàn, thậm chí cố bàn thì 1 triệu năm nữa người nghèo vẫn chưa có nhà.

'Cứ bàn mãi, 1 triệu năm nữa người nghèo cũng chưa mua được nhà’

Phan Diệu | 27/02/2017, 15:08

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, bây giờ không phải thời gian để tranh cãi diện tích bao nhiêu, căn hộ 1 phòng ngủ hay 2 phòng ngủ, nhà nhỏ quá có làm nghẽn tắc đô thị hay không. Nếu cứ bàn, thậm chí cố bàn thì 1 triệu năm nữa người nghèo vẫn chưa có nhà.

Trên đây là một trong những nội dung được đưa ra bàn tại hội thảo Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ tại TP.HCM (27.2) do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức. Đại diện nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị các thủ tục liên quan đến xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Nhà ở giá rẻ phải có giá dưới 13 triệu đồng/m2

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định TP đã có nhiều chương trình với mong muốn xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cụ thể, theo ông, từ 20 năm trước TP đã có chương trình 30.000 căn rồi 70.000 căn nhà ở nhỏ, rẻ để giải tỏa kênh Nhiêu Lộc cho người nghèo nhưng không thành công. 10 năm về trước, ông từng đề nghị TP cho xây dựng căn hộ 20 - 30m2 nhưng không được TP chấp thuận. 5 năm về trước, khi đưa ra chủ trương xây dựng căn hộ 30m2 với giá bán 100 triệu đồng cho người nghèo, ông Đực đã dự báo TP.HCM có thể đi trước mà về sau. Bây giờ, khi Bình Dương đã triển khai xong 5.000 căn hộ, đang triển khai tiếp 10.000 căn thì TP.HCM loay hoay mãi mà chưa làm được.

“Bây giờ không phải thời gian để chúng ta tranh cãi diện tích bao nhiêu, căn hộ 1 phòng ngủ hay 2 phòng ngủ, nhà nhỏ như vậy có làm nghẽn tắc đô thị hay không. Chúng ta cứ bàn, thậm chí cố bàn thì 1 triệu năm nữa người nghèo vẫn chưa có nhà. Bây giờ chúng ta phải quyết tâm hành động và quy trách nhiệm. Ai là người chịu trách nhiệm khi đề án này không thành công, lãnh đạo TP, lãnh đạo Hiệp hội có chịu trách nhiệm hay không ?”, ông Đực hỏi.

Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng có 2 yếu tố quyết định sự thành công, đó là chính quyền kiến tạo quyết định 70% và doanh nghiệp hành động quyết định 30%. Do đó, đại diện này đề nghị chính quyền TP thành lập ban trực thuộc UBND TP mà không phải sở ngành hay quận huyện nào hết. Bởi lẽ, UBND TP mới có thể điều các sở, quận huyện giải quyết nhanh chóng yêu cầu của doanh nghiệp.

Đồng thời, lãnh đạo TP cần quy định căn hộ 20 - 30m2 là nhà ở giá rẻ, không nhất thiết phải là nhà ở xã hội nhưng có tiêu chuẩn như nhà ở xã hội. Chính quyền hỗ trợ bằng cách gia tăng hệ số sử dụng đất; tài trợ một phần hệ thống hạ tầng giống như nhà ở xã hội.

“Nếu TP đầu tư hạ tầng thì chúng tôi cam kết sẽ bán nhà với giá 5 triệu đồng/m2 cho căn hộ 5 tầng. Nếu kiến nghị không đầu tư, chúng tôi sẽ bán với giá 8 triệu đồng/m2. Với những căn hộ 12 - 13 tầng mà chúng tôi đầu tư toàn bộ hạ tầng thì bán với giá 13 triệu đồng/m2. Chúng ta làm ở giá rẻ không phải giảm diện tích mà là giảm giá thành. Chứ còn nhà ở mà 20 triệu đồng/m2 thì không phải là nhà ở giá rẻ. Nhà ở giá rẻ phải có giá dưới 13 triệu đồng/m2”, ông Đực nhấn mạnh.

Mất 2 năm mà chưa xong thủ tục

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân nói rằng công ty ông đang xây dựng 18 dự án nhà ở xã hội nhưng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính.

Cụ thể, tại dự án nhà ở xã hội thuộc địa bàn xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), doanh nghiệp phải mất 2 năm mà vẫn chưa xong hồ sơ. Đầu tiên, công ty phải trình lên cấp huyện để xét duyệt, rồi mất thời gian đợi Sở Xây dựng TP bổ sung hồ sơ. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục đợi các sở ngành góp ý, cuối cùng là chờ UBND TP chấp thuận. Mỗi một lần trình là mất 2 tháng và 2 năm chưa xét duyệt xong.

“Vấn đề nằm ở chỗ quy trình xét duyệt thủ tục. Thông thường một quy trình xét duyệt dự án phải mất 2 năm trở lên. Tôi kiến nghị nên chăng đối với nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân phải giao Sở Xây dựng làm đầu mối, như vậy mới có quy trình nhanh cho doanh nghiệp. Còn quy trình như hiện nay chắc chắn phải 2 năm”, ông Tuấn nói.

Nghe đến đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng bản chất không phải vướng ở quy trình mà vướng ở quy hoạch. Để thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Đinh La Thăng đã lập tức đề nghị ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP giao riêng "một cửa" cho đơn vị cấp, tiếp nhận hồ sơ và xử lý với các dự án nhà ở xã hội.

“Cửa này phải là Sở Xây dựng, chứ để đá đi đá lại mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Chúng ta đặt mục tiêu thời gian hoàn tất thủ tục ban đầu khi xây dựng nhà ở xã hội là 6 tháng”, ông Thăng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Khoa khẳng định sẽ giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối tiếp nhận và cấp phép dự án nhà ở xã hội. Sắp tới, TP sẽ không còn tình trạng các doanh nghiệp cầm hồ sơ chạy đi chạy lại khắp nơi nữa.

Không đồng tình giảm diện tích căn hộ

Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nói ông tin TP hoàn toàn làm được nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân, người nghèo khi có sự đồng thuận tham gia của doanh nghiệp và sự hỗ trợ quyết liệt của chính quyền.

"Tôi không đồng tình việc giảm diện tích căn hộ. Làm như vậy sẽ gây ra ngột ngạt, giảm chất lượng sống. Để có được nhà ở giá rẻ, không phải làm nhà diện tích nhỏ mà phải áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để làm hạ giá thành. Chúng ta phải giảm giá bằng cách hình thành chuỗi liên kết nguồn nguyên vật liệu như việc hạ giá thành vật liệu xây dựng, áp dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến”, ông Thăng nói thêm.

Theo ông Thăng, TP mới đây đã làm việc với một công ty sản xuất xi măng và đơn vị này đồng ý sẽ giảm 300.000 đồng/tấn cho những dự án nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, tại hội thảo, một đơn vị chuyên cung cấp đá granite cũng đã xung phong giảm 20% giá bán cho các công trình xây dựng nhà ở xã hội.

Trong khi đó, ông Lê Văn Khoa hứa sẽ vận động một số doanh nghiệp sản xuất thép hỗ trợ giảm giá cho các dự án nhà ở xã hội.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cứ bàn mãi, 1 triệu năm nữa người nghèo cũng chưa mua được nhà’