Hành trình săn bắt cướp (SBC) của nhóm hiệp sĩ đường phố và đội SBC Tp.HCM với muôn vàn khó khăn đã bước sang năm thứ 4. Trước nạn cướp giật lộng hành Tp.HCM, các đội, nhóm SBC ra đời và họ được ví như “Lục Vân Tiên” thời nay đã gợi lên cho người dân về hình ảnh trượng nghĩa vốn có của người Sài Gòn.

Cuộc chiến thầm lặng của những hiệp sĩ đường phố

DDVN | 23/05/2016, 14:30

Hành trình săn bắt cướp (SBC) của nhóm hiệp sĩ đường phố và đội SBC Tp.HCM với muôn vàn khó khăn đã bước sang năm thứ 4. Trước nạn cướp giật lộng hành Tp.HCM, các đội, nhóm SBC ra đời và họ được ví như “Lục Vân Tiên” thời nay đã gợi lên cho người dân về hình ảnh trượng nghĩa vốn có của người Sài Gòn.

Những khó khăn không thể đổi bằng tiền

Nhóm Hiệp sĩ Đội SBC TP.HCM chính thức thành lập từ năm 2012 gồm 7 thành viên, có người từng có kinh nghiệm SBC ngót nghét trên chục năm. Người nhiều tuổi nhất là anh Trần Văn Hoàng, gần 50 tuổi. Và sau 4 năm thành lập, các thành viên của nhóm đã phá được gần 300 vụ án nhưng có lẽ ấn tượng nhất với nhóm Hiệp sĩ đường phố là vụ truy bắt đối tượng Phan Ngọc Phượng. “Nghe tin bà Phan Ngọc Phượng lừa đảo nhiều cửa hàng ở cả Sài Gòn lẫn Bến Tre, các thành viên trong đội rất bức xúc. Khi có được thông tin bà Phượng ở Bến Tre, chúng tôi liền lên kế hoạch chờ bà Phượng ra tay để truy bắt.

Nhận được điện thoại của Trưởng Công an huyện Chợ Lách, Bến Tre, tôi cùng một thành viên nữa đón xe xuống Bến Tre để theo dõi mọi di biến động của đối tượng. Sau một thời gian theo dõi, nhóm biết bà Phượng đang chuẩn bị “ra tay” ở Q.Gò Vấp nên ngay sau khi bà ta vừa thực hiện hành vi, lập tức bị chúng tôi khống chế, đưa về Công an phường 1, Q.Gò Vấp để làm rõ vụ việc” - anh Lâm Hiếu Long, Đội trưởng Đội SBC TP.HCM, kể lại. Công việc luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, thậm chí có anh còn bị gia đình ngăn cản nhưng mỗi khi gặp việc bất bình các anh lại không thể cam tâm đứng nhìn bởi với họ, nó đã “ăn vào máu rồi không thể từ bỏ được”. Và dù mỗi người một nghề khác nhau, có người làm chủ quán cà phê, người bán tạp hóa, người lại là nhân viên sell… nhưng sẵn bản tính hào hiệp, họ cùng quyết tâm bài trừ tội phạm, giúp đỡ người dân.

Và qua những lần rong ruổi trên đường SBC, với con mắt “nhà nghề”, các “Hiệp sĩ” có thể nhận dạng được tội phạm dù đó là lúc chúng sắp ra tay hay đang theo dõi “con mồi” để hành động. Trong những lần đuổi bắt, có tên với mong muốn thoát tội đã rút tiền hối lộ hay có tên quyết chống trả gây thương tích cho các anh nhưng các anh đều cho biết sẽ không từ bỏ công việc “vác tù và hàng tổng”, bởi người dân vẫn cần các “Hiệp sĩ”.

Nỗi lòng "hiệp sĩ"

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Công an TP.HCM phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm giảm một cách rõ rệt. Các đội, nhóm SBC cũng có nhiều hoạt động tích cực, ráo riết để phần nào cùng với cơ quan chức năng gìn giữ bình yên phố phường, bài trừ tội phạm, giảm tệ nạn xã hội. Theo anh Lê Ngọc Phúc, trưởng nhóm Hiệp sĩ đường phố TP.HCM, Tân Bình và Tân Phú là nơi các anh hoạt động nhiều nhất. Mỗi ngày các anh đi hai xe, chia làm 2 tuyến đường khác nhau để quan sát, theo dõi đối tượng tình nghi, khoảng từ 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa và từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối là thời gian các anh đi bắt cướp. Đến nay nhóm của “Hiệp sĩ” Phúc đã phá được khoảng 700 vụ trộm cướp giật.

Tuy nhiên, điều mong mỏi của Lục Vân Tiên thời nay chính là được trang bị kiến thức nghiệp vụ và được chính quyền công nhận công việc thầm lặng đó. “Hiện giờ, chúng tôi chỉ sử dụng dây rút để trói tội phạm nên anh em trong nhóm tha thiết mong được cấp thêm phương tiện như cấp còng, cây vũ, cây cọc để chống trả, phòng thân khi cần. Có được trang bị kiến thức thì tôi nghĩ nghiệp vụ của anh em trong quá trình SBC sẽ tốt hơn. Tôi chỉ mong những việc làm của anh em trong đội luôn được sự ủng hộ tích cực từ cơ quan chức năng. Nhiều khi đang chạy xe đi bắt tội phạm nhưng lại bị CSGT chặn xe lại để phạt vì vượt quá tốc độ, nếu dừng xe, tội phạm sẽ thừa cơ trốn thoát. Vì thế, chúng tôi cần một giấy chứng nhận để công việc SBC được thuận lợi hơn.

Và đôi khi sự ủng hộ từ cơ quan chức năng sẽ tạo thêm niềm tin cho anh em góp phần đẩy lùi tội phạm” - anh Hiểu Long chia sẻ. Còn theo “Hiệp sĩ” Phúc, các cơ quan chức năng nên phát động phong trào tố giác tội phạm trong toàn dân để người dân cảnh giác và góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Hơn nữa, “người dân sợ thù vặt, không dám tố giác tội phạm dẫn đến việc nắm bắt thông tin chậm nên nhiều vấn đề có diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy, những việc này là trách nhiệm của mỗi người cần phải làm khi đối mặt trước điều xấu, cái ác” - anh Phúc nói. Công việc thầm lặng của các hiệp sĩ đường phố luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhiều lần suýt chết vì truy đuổi tội phạm hay bị tội phạm truy sát nhưng không vì thế mà các anh chùn bước. Bởi, họ chỉ muốn “đem những việc trái ngang ra ánh sáng để mọi người cùng biết, cùng cảnh giác”. Và cùng với lực lượng chức năng, những “người hùng” thầm lặng đã chung tay góp sức trong việc bảo vệ bình yên cho người dân, khiến không ít kẻ phạm pháp sợ hãi. Họ chính là những tấm gương tỏa sáng giữa đời thường.

Hoàng Lan / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến thầm lặng của những hiệp sĩ đường phố