Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm được dự báo vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm và sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.

Cuối năm, thủy sản xuất ngoại vẫn chưa thoát cơn khủng hoảng

Tuyết Nhung | 05/10/2020, 16:42

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm được dự báo vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm và sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.

Do tác động của dịch COVID-19 nên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý 1 giảm 10% và tiếp tục giảm 7% trong quý 2, đạt gần 1,8 tỉ USD. Tuy nhiên, sang quý 3, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỉ USD.

Sau khi hồi phục tương đương với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7 và tháng 8, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và lũy kế 9 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt giảm 4% đạt gần 6 tỉ USD.

Trước tình hình trên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỉ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm tăng 9% đạt 1,1 tỉ USD; cá tra giảm 31% đạt 365 triệu USD; các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% với cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2019, trong đó tôm ước đạt gần 3,7 tỉ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỉ USD, trong khi xuất khẩu hải sản đạt hơn 3,1 tỉ USD, giảm 3%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường và xuất hiện trở lại trong cộng đồng trong nước thời gian qua, Vasep cho rằng thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu và sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở một số thị trường. Với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ; đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.

Đối với thị trường EU, mặc dù COVID-19 làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như: tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1.8 vừa qua, sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.

Đối với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị sụt giảm do dịch bệnh COVID-19. Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định, không tăng đột phá nhưng sẽ tăng tốt với mặt hàng tôm trong những tháng tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuối năm, thủy sản xuất ngoại vẫn chưa thoát cơn khủng hoảng