Nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với ngành ngân hàng và vấn đề này càng "nhức nhối" hơn khi tác động của đại dịch lớn hơn hẳn so với dự báo.

Ngân hàng 'đau đầu' vì nợ xấu

Tuyết Nhung | 05/10/2020, 11:45

Nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với ngành ngân hàng và vấn đề này càng "nhức nhối" hơn khi tác động của đại dịch lớn hơn hẳn so với dự báo.

Rủi ro nợ tiềm ẩn

Tính đến đầu tháng 8 vừa qua, NHNN cho biết nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn có thể ở mức 4,48%, làm cho mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% trong toàn hệ thống khó thực thi. Trong khi đó, tính đến ngày 16.9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019, tăng 10,19% so với cùng kỳ 2019.

Đánh giá về một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng, NHNN ước tính có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng có thể bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, trong đó nhiều nhất là kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng với dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 548.000 tỉ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ.

Tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo với 520.000 tỉ đồng, chiếm 6,3%; hoạt động dịch vụ khác như: sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khoẻ, giặt là, cắt tóc, hiếu hỉ... là 260.000 tỉ đồng, chiếm 3,1%; nông - lâm nghiệp và thuỷ sản là 157.000 tỉ đồng, chiếm 1,9%, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng rau quả, thuỷ sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu.

Trước tình hình trên, NHNN nhận định: "Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các tổ chức tín dụng triển khai phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn".

Cần sớm ban hành luật hóa xử lý nợ xấu

Trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng nên nhiều khách hàng đã trì hoãn việc trả nợ nên quá trình xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn hơn. Nợ cũ chưa trả hết thì nợ xấu lại dồn vào.

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay cần gia hạn thêm thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và có sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó cũng cần phải có Luật riêng về xử lý nợ xấu để Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trở nên mạnh mẽ hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận định thời gian qua Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu vẫn chưa hiệu quả do các quy định, chế tài xử lý vẫn chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, ví dụ như: việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, hay việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo... Do đó, ông Đông cho rằng cần thiết sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết nếu không có dịch COVID-19 thì mục tiêu giảm nợ xấu tổng thể xuống dưới 3% đã có thể hoàn thành đúng kế hoạch. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn rủi ro ước tính đến tháng 8 vừa qua đã vào khoảng 4,48%.

"Ảnh hưởng của dịch bệnh nên các doanh nghiệp gặp khó, không có khả năng trả nợ nên nợ xấu sẽ tăng. Do đó, các phương án xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn", Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng vào ngày mai 25.4
Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào sáng 25.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng 'đau đầu' vì nợ xấu