TP.HCM hiện có rất nhiều trường hợp sang nhượng nhà ở xã hội thu tiền chênh lệch qua hợp đồng ủy quyền có công chứng. Không ít người bán nhà do không có nhu cầu ở trong khi nhiều người khác vẫn đang xếp hàng chờ mua nhà ở xã hội.
Tràn lan mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện
Theo quy định, nhà ở xã hội chỉ được giao dịch chuyển nhượng sau 5 năm. Song tại TP.HCM đã tràn lan tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện.
Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán nhà ở xã hội tại TP.HCM” trên internet, không khó để bắt gặp các thông tin rao bán nhà ở xã hội như dự án nhà ở xã hội. Điển hình như các dự án Felix Home (phường 6, quận Gò Vấp), dự án First Home Thạnh Lộc (phường Thạnh Lộc, quận 12), dự án Chương Dương Home (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), dự án HQC Plaza (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh)…
Tại quận 7, dự án Jamona Apartment (trên đường Đào Trí) được bàn giao đầu tháng 3.2018 nhưng vẫn đang xảy ra tình trạng mua bán căn hộ với giá chênh lệch từ 300-500 triệu đồng/căn.
Còn ở quận 12, chung cư First Home Thạnh Lộc tọa lạc trên đường Vườn Lài nối dài có quy mô 14 tầng và 1 tầng hầm, xây dựng trên diện tích 5.000 m2 với các loại căn hộ diện tích khoảng từ 43m2 đến 61m2 cũng được rao bán với mức giá chênh lệch từ 300 triệu đến hơn 600 triệu đồng so với mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.
Tương tự, dự án Felix Homes nằm trên đường Nguyễn Văn Dung, quận Gò Vấp dù nhà mới bàn giao nhưng nhiều khách hàng đã rao bán với giá chênh lệch từ 200 - 400 triệu đồng/căn.
Đáng chú ý, không chỉ rao bán công khai, hiện nay có tình trạng mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức hợp đồng ủy quyền và lập di chúc cho người mua. Các điều khoản của hợp đồng ủy quyền căn nhà ở xã hội nêu rõ bên được ủy quyền (người mua) thay mặt bên ủy quyền nộp tiền mua nhà cho chủ đầu tư theo tiến độ. Người được ủy quyền cũng ký biên bản bàn giao căn hộ khi chủ đầu tư bàn giao, lập và ký các hợp đồng sinh hoạt như điện, nước với các cơ quan chức năng và thực hiện việc thanh toán tiền sử dụng các dịch vụ trên…
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), do được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, giao đất, thủ tục, tiêu chuẩn thiết kế… nên giá nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại. Trong khi đó, luật lại chưa quy định rõ, chưa chặt chẽ nên tạo kẽ hở cho nhiều người mua nhà ở xã hội chỉ đề mua đi bán lại, ăn tiền chênh lệch.
Siết lại việc mua bán nhà ở xã hội
Trước tình trạng này, vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM về các hoạt động chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2019 tại quận 9, 12 và Bình Tân. Trong đó, cơ quan này kiến nghị giao Sở Tư pháp thực hiện yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM thực hiện nghiêm quy định "người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua".
Do đó mới đây, Sở Tư pháp TP.HCM đã yêu cầu trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt việc công chứng mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là giải pháp căn cơ để góp phần giải quyết tình trạng xây dựng nhà không phép trên địa bàn hiện nay. Từ năm 2014 đến nay, TP.HCM có 41 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 133 ha, quy mô hơn 41.000 căn hộ. Trong đó có 14 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang thi công xây dựng, 18 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Hiện TP.HCM cần khoảng 134.000 căn.
Sở Xây dựng cho biết TP.HCM đang tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng thêm 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, dự kiến đến hết năm 2020 có thể hoàn thành 20.000 căn. Tuy nhiên mục tiêu này đang khó thành hiện thực khi hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM gặp vướng mắc về pháp lý hoặc xin chuyển đổi qua căn hộ thương mại.