Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gien rất có giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm - Bài 1: Nơi tiếp nhận đáng tin cậy

Quang Cường | 31/03/2023, 08:00

Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gien rất có giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Với các giá trị về đa dạng sinh học và vai trò to lớn trong công tác bảo tồn, cuối năm 2019, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang chính thức được Hiệp hội Vườn di sản Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN, với tổng diện tích được giao quản lý là 57.028,1ha.

Hiện tại VQG Vũ Quang có chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên phía bắc, thuộc dãy Trường Sơn; góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng. Ngoài ra, VQG Vũ Quang còn giúp phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

vqg-vq-a.jpg
Vườn quốc gia Vũ Quang

VQG Vũ Quang còn có chức năng là một khu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm khu vực và châu lục.

Chỉ trong 4 năm đã cứu hộ hơn 500 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang cho biết, thời gian qua, thông qua các kênh truyền thanh, báo chí, các cuộc họp dân, VQG Vũ Quang đã tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Việc tuyên truyền này hướng tới cộng đồng dân cư vùng đệm, các học sinh, sinh viên… và đã có những kết quả rõ rệt.

Trong giai đoạn 2019-2022, VQG Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc và tái thả 500 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng về môi trường tự nhiên. Đây là những con vật được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh bàn giao. Điển hình trong đó có các loài như vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, cu li, trăn gấm, các loài cầy, các loài rùa…

cuu-ho-dong-vat-vqg-vuquang-12.jpg
Đại diện Ban quản lý VQG Vũ Quang tiếp nhận một con khỉ quý hiếm do lực lượng kiểm lâm bàn giao

Trò chuyện với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế VQG Vũ Quang, cho biết đơn vị thực hiện chức năng cứu hộ động vật hoang dã từ năm 2018. Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế đảm nhiệm việc tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc những con vật hoang dã quý hiếm từ nhiều nguồn.

“Chúng tôi tiếp nhận động vật hoang dã quý hiếm từ các nguồn như người dân tự nguyện giao nộp, từ lực lượng kiểm lâm và tang vật từ một số vụ án sau đó được lực lượng cảnh sát môi trường bàn giao. Ban đầu chỉ lác đác vài trường hợp người dân giao nộp các cá thể động vật do họ nuôi nhốt hoặc bắt được. Về sau thì việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã của chúng tôi đã tạo được uy tín nên càng nhiều cá nhân, đơn vị đã tin tưởng bàn giao cho chúng tôi. Động vật mà chúng tôi tiếp nhận chủ yếu là các loài linh trưởng, các loài rùa và một số loài khác”, ông Hùng nói.

Thời gian đầu thực hiện công tác cứu hộ động vật, VQG Vũ Quang tiếp nhận những con vật được bàn giao từ các nguồn trong tỉnh. Những năm gần đây, đơn vị đã phối hợp với các vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), Cúc Phương (Ninh Bình), Pù Mát (Nghệ An) để tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc và tái thả nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm về môi trường tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh tồn của từng loài.

cuu-ho-dong-vat-vqg-vuquang-4.jpg
Những con thú hoang dã quý hiếm sau khi được VQG Vũ Quang tiếp nhận từ các cá nhân, tổ chức giao nộp sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe và thả về môi trường tự nhiên trong lầm phần vườn quản lý

Theo ông Hùng, sau khi chăm sóc các con vật quý hiếm “vô gia cư”, để chúng trở lại cuộc sống hoang dã thì cần phải đáp ứng các tiêu chí, như loài được thả phải đảm bảo có vùng phân bố tại VQG Vũ Quang, đã được kiểm tra kỹ lưỡng về sức khỏe, khu vực tái thả được khảo sát kỹ, đảm bảo phù hợp với sinh cảnh sống của loài được thả, ưu tiên khu vực có sự xuất hiện của loài tự nhiên để đảm bảo việc tái nhập đàn cho loài được thả...

Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm tra và theo dõi sau khi thả được lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, nhằm giám sát loài cũng như đẩy đuổi, ngăn chặn người lạ vào khu vực, tránh tình trạng động vật sau tái thả bị con người bắt trở lại.

Chưa có trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật

Trong thời gian qua, VQG Vũ Quang được các tổ chức, cá nhân lựa chọn là địa điểm tin cậy để phối hợp, giao nộp các loài động vật nguy cấp, quý hiếm nhằm thả về môi trường tự nhiên.

Lợi thế của VQG Vũ Quang là có diện tích rừng tự nhiên lớn với hơn 57 nghìn hecta, là địa bàn sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt; là địa bàn lý tưởng cho việc cứu hộ và tái thả động vật hoang dã nhằm thực hiện công tác bảo tồn.

Mặc dù vậy, VQG Vũ Quang vẫn đang gặp khó khăn do chưa thành lập và xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật như một số vườn quốc gia khác trong nước.

Nguyên nhân của thực trạng này là do vườn thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, cán bộ chăm nuôi động vật hoang dã tại đây chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên nghiệp.

cuu-ho-dong-vat-vqg-vuquang-14.jpg
Hiện VQG Vũ Quang còn phải sử dụng khuôn viên trụ sở để làm nơi nhốt, chăm sóc những con thú mà đơn vị tiếp nhận trước khi thả chúng về rừng

Tuy là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng VQG Vũ Quang chưa có khu nuôi nhốt và chăm sóc động vật hoang dã được tiếp nhận. Hiện đơn vị phải tận dụng khuôn viên tại trụ sở để thực hiện nuôi nhốt thú, không đảm bảo về diện tích cũng như ảnh hưởng về mặt môi trường cảnh quan. Bên cạnh đó, trang thiết bị, đặc biệt là chuồng nuôi nhốt còn thiếu và chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật.

Thời gian vừa qua, số lượng động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân giao nộp cho vườn để chăm sóc ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho hay: “Có lúc chúng tôi tiếp nhận về cả trăm con nên khu vực nuôi bị quá tải. Trong khi đó đơn vị chưa có kinh phí dành riêng cho nhiệm vụ này. Các chi phí cho thức ăn và thuốc đều phải trích từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị”.

cuu-ho-dong-vat-vqg-vuquang-6.jpg
Trong giai đoạn từ 2019-2022, VQG Vũ Quang tiếp nhận, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên 500 cá thể động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

Hiện Ban Quản lý VQG Vũ Quang đã có kiến nghị, đề xuất đến nhà tài trợ USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ), dự án VFBC (dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ) hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng, vận hành trung tâm cứu hộ và bảo tồn sinh vật tại vườn trong thời gian tới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cứu hộ, tái hoang dã loài và cấp các trang thiết bị thiết yếu.

VQG Vũ Quang nằm ở phía tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách TP.Hà Tĩnh 60km. Vườn nằm trên địa bàn hành chính của 3 huyện miền núi là Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê, có 60km giáp biên giới Việt - Lào.

Khu hệ động vật của VQG Vũ Quang có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.

Trong đó, có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 06 của Chính phủ cần được ưu tiên bảo tồn.

VQG Vũ Quang có giá trị sinh học lớn bởi đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn.

Tại đây có có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), mang Trường Sơn (Megamuntiacus truongsonensis), thỏ vằn (Nesolagus timinski), cầy vằn bắc (Migalus owstoni), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus), ếch cây sần bắc bộ (Theloderma corticale)…

Thả động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên - Nguồn video: VQG Vũ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm - Bài 1: Nơi tiếp nhận đáng tin cậy