Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khai nhận mình là người trực tiếp ký quyết định chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, Q.9, TP.HCM. Tuy nhiên, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng mình chỉ là người ký thay.

Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khai gì tại phiên tòa xét xử?

P.V | 09/12/2021, 12:07

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khai nhận mình là người trực tiếp ký quyết định chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, Q.9, TP.HCM. Tuy nhiên, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng mình chỉ là người ký thay.

Sáng 9.12, phiên xét xử cựu phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, 56 tuổi; ông Lê Tấn Hùng, 58 tuổi, nguyên tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sagri - 100% vốn Nhà nước) và 17 bị cáo về các sai phạm xảy ra tại Sagri tiếp tục với phần xét hỏi.

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Tuyến cho biết là Phó chủ tịch thành phố phụ trách lĩnh vực kinh tế - tài chính. Năm 2017, ông được phân công phụ trách thêm lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị nhưng không phụ trách Sagri.

Ngày 17.11.2017, theo phân công của UBND TP HCM, ông ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng Dự án phát triển Khu nhà ở tại phường Phước Long B, Q.9 (nay là TP Thủ Đức) cho Tổng Công ty Phong Phú.

"Thẩm quyền ký thuộc Chủ tịch UBND, song bị cáo ký thay", ông Tuyến nói và cho hay trước khi ký có xem hồ sơ và tham khảo ý kiến của Sở Tài chính, vì liên quan việc thoái vốn Nhà nước.

Sagri được UBND TP.HCM giao quản lý khu đất 3,75 ha tại phường Phước Long B, quận 9, sau đó hợp tác với Tổng Công ty Phong Phú đầu tư dự án nhà ở. Năm 2015, cơ quan chức năng xác định việc đầu tư, hợp tác tại dự án "không thuộc ngành nghề kinh doanh chính", nên yêu cầu Sagri có phương án cơ cấu lại, thoái vốn.

Lúc này, dự án mới xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Ông Lê Tấn Hùng vẫn đề xuất UBND TP.HCM duyệt chủ trương chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) - thấp hơn giá thị trường. Ông Tuyến với vai trò Phó chủ tịch thành phố, căn cứ tờ trình tham mưu, đề xuất của các sở ngành đã chấp thuận.

Ông Tuyến cũng khẳng định trước khi ký quyết định ông chỉ biết đến hồ sơ này vào ngày 9.11.2017 khi Sagri gửi hồ sơ đến UBND TP.HCM để xin phép. Khi nhận được tờ trình về chuyển nhượng này, ông có ký vào văn bản là xem xét kỹ. 5 ngày sau nhận lại được báo cáo dự án có trong danh mục được chuyển nhượng nên đã ký quyết định mà không báo cáo Thường trực ủy ban hay báo cáo UBND TP.

Về việc ký quyết định cho chuyển nhượng, bị cáo Tuyến cho rằng do đã có kiểm tra, lại đúng thẩm quyền nên đã ký.

"Tôi ký quyết định này đúng theo trình tự thủ tục và nhiệm vụ phân công, song có phần chủ quan không kiểm tra việc Sagri thoái vốn khi không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thực tế công việc phụ trách rất nhiều, tôi không thể nắm hết các vấn đề", ông Tuyến trình bày với HĐXX.

tranvinhtuyen2.jpg
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại phiên tòa xét xử - Ảnh: NLĐ

Cựu phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng đã làm theo phân công khi ký quyết định để Sagri chuyển nhượng dự án, song thừa nhận "có phần chủ quan".

Trong vụ án này, ông Trần Trọng Tuấn (nguyên giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) bị cáo buộc đã ký tờ trình đề xuất chấp thuận chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 từ Sagri sang cho tổng công ty Phong Phú.

Tuy nhiên, bị cáo Trần Trọng Tuấn trả lời HĐXX là "làm đúng quy trình và căn cứ các quy định pháp luật", trong đó có Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.

Tại tòa, ông Tuấn cho rằng ông không phạm tội như cáo trạng nêu và đề nghị HĐXX xem xét khách quan, đầy đủ, toàn diện để đánh giá chứng cứ, xác định ông có tội hay không có tội.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định có 3 sai phạm chính trong vụ án này. Tuy nhiên, với 3 hành vi mà cáo trạng cho rằng đó là sai phạm chính thì chúng tôi có những chứng cứ pháp lý và căn cứ quy định pháp luật để khẳng định chúng tôi không vi phạm", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết từ 10.1.2013 đến 25.4.2019, ông là Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM và được giao nhiệm vụ làm chủ tịch hội đồng thẩm định của TP về chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp để tham mưu cho chủ tịch UBND TP cho phép hay không cho phép chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Nghị định 76/2015.

Theo ông Tuấn, dự án đầu tư phát triển nhà ở phường Phước Long B, Q.9 do Sagri đầu tư cũng là dự án bất động sản, thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng TP.HCM.

Khoảng tháng 4.2017, Sở Xây dựng TP.HCM nhận hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của Sagri. Sau khi văn phòng nhận hồ sơ thì tự động chuyển cho các phòng chuyên môn.

Tuy nhiên, khi bị đại diện VKS truy vấn "văn bản của Sở Tài chính có nội dung nào thể hiện 'chấp thuận' hay không? Bị cáo Tuấn trả lời "căn cứ vào hồ sơ đã đầy đủ nên đề xuất duyệt".

Ông Tuấn cho biết trong cuộc họp của hội đồng, tổ thư ký phát phiếu ý kiến và thành viên hội đồng ghi ý kiến chứ không phải là phiếu biểu quyết.

Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng mong HĐXX đánh giá, làm rõ các vấn đề cáo trạng nêu.

Trong vụ án này, với vai trò là chủ mưu vụ án, ông Lê Tấn Hùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản. 17 bị cáo còn lại đều là cựu cán bộ của TP HCM, nguyên cán bộ nhân viên Sagri bị xem xét vai trò đồng phạm với ông Tuyến, ông Hùng hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Che giấu tội phạm.

Trong phiên làm việc chiều 8.12, ông này thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng cho rằng việc chuyển nhượng dự án là để thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của thành phố, không có mục đích tư lợi.

Liên quan đến cáo buộc lập hồ sơ khống tham ô 13,3 tỷ đồng của công ty, ông Hùng nói đó là "ứng trước tiền để chi cho công việc không có chứng từ của công ty và làm quỹ dự phòng lo việc đi công tác nước ngoài cho cán bộ nhân viên vào năm sau".\

Trong vụ án này, TAND TP.HCM xét xử 19 bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cùng 8 đồng phạm (từng là cán bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị cáo Lê Tấn Hùng và bị cáo Nguyễn Thị Thúy (cựu kế toán trưởng SAGRI ) cùng ra tòa về hai tội: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị cáo Dư Huy Quang (cựu trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM), bị cáo Nguyễn Thị Thanh Anh (nguyên phó giám đốc nhân sự hành chính Sagri), tòa sơ thẩm xét xử tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Liên quan vụ án, Lê Thị Diệp Cẩm (từng làm việc tại Sagri) bị cáo buộc tội danh "Che giấu tội phạm".
Ngoài ra, có 5 bị cáo ra tòa về tội "Tham ô tài sản" từng làm việc tại một số doanh nghiệp nhà nước thời điểm xảy ra sai phạm . 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khai gì tại phiên tòa xét xử?