Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng chính ý thức chủ quan, lơ là của một bộ phận không nhỏ người dân (kể cả cán bộ, đảng viên) trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh ở Cà Mau tăng cao.

Cà Mau: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch COVID-19

Trần Khải | 08/12/2021, 20:40

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng chính ý thức chủ quan, lơ là của một bộ phận không nhỏ người dân (kể cả cán bộ, đảng viên) trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh ở Cà Mau tăng cao.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, tình hình dịch bệnh tại địa phương trong những ngày qua diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc hàng ngày liên tục tăng (hơn 500 ca/ngày). Đến hết ngày 8.12, toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 13.494 ca mắc COVID-19; trong đó có lực lượng vũ trang, y tế, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan đơn vị; công nhân của các xí nghiệp, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh…

Hiện tỉnh đang điều trị cho 6.532 người, trong đó có 3.367 ca đang điều trị tại nhà, chiếm hơn 50% tổng số bệnh nhân đang điều trị.

so-ca-mac-covid-19-lien-tuc-tang-cao-ca-mau-co-nguy-co-qua-tai-anh-tran-khai.jpg
Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, y tế Cà Mau có nguy cơ bị quá tải - Ảnh: Trần Khải

Riêng TP.Cà Mau trong ngày 8.12 đã ghi nhận 157 ca mắc mới. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở cơ sở còn mỏng, kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc… (đặc biệt là thiết bị, thuốc điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch) chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến tình hình dịch bệnh ở địa phương tăng cao những ngày qua là do ý thức chủ quan, lơ là của một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, đảng viên trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt là việc thực hiện 5K không được tuân thủ, nhiều người không đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc trong buôn bán, kinh doanh; tụ tập đông người và không giữ khoảng cách; tổ chức đám tiệc tập trung quá đông người; không khử khuẩn…). Theo ông Hải, tâm lý người dân chủ quan khi tỉ lệ bao phủ vắc xin cao, tuy nhiên cần lưu ý ngay cả những đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Người đứng đầu cấp ủy đảng của Cà Mau nêu rõ, việc thực hiện cơ chế quản lý dịch bệnh trong thời gian gần đây đã nới lỏng để tạo điều kiện người dân vừa phòng chống dịch một cách linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ, ổn định đời sống; góp phần phục hồi kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, việc càng nới lỏng các biện pháp quản lý hành chính người dân càng chủ quan. Tồn tại song song là công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời, còn lơ là, buông lỏng.

Để khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm, khống chế dịch bệnh, giảm số ca mắc, giảm tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, BCĐ phòng chống dịch các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Hải giao cho Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 và UBND tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh quyết định, quy định rõ các biện pháp phòng chống dịch áp dụng cho từng cấp độ dịch bệnh trong từng lĩnh vực, phù hợp với thực tế để thực hiện nghiêm hơn, chặt hơn.

Sở Y tế rà soát nguồn nhân lực, bố trí phù hợp theo hướng tăng cường cho những địa bàn có ổ dịch lớn với số ca nhiễm cao; bổ sung đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà cho lực lượng y tế cơ sở. Ưu tiên cho những địa bàn có số ca nhiễm cao; đặc biệt là những loại thiết bị, thuốc cấp cứu cho những ca chuyển nặng (thuốc kháng vi rút, ô xy…). Đồng thời phân công, chỉ đạo cụ thể việc theo dõi các F0 điều trị tại nhà cho từng nhân viên y tế cơ sở.

Riêng đối với TP.Cà Mau, cần huy động các cơ sở y tế tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu cùng tham gia công tác phòng chống dịch; đặc biệt là tại những xã, phường có nhiều F0 điều trị tại nhà. Phân công, hướng dẫn cụ thể về quy trình thăm khám, hỗ trợ hằng ngày đối với cán bộ y tế cơ sở.

UBND các huyện, TP.Cà Mau siết chặt việc quản lý F0 điều trị tại nhà. Truy vết triệt để, không bỏ sót, và quản lý nghiêm việc thực hiện cách ly F1, F2, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.

Bài liên quan
Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2
Ngày 15.4, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời và U Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch COVID-19