Tối 30.10, hơn 4000 người đã có mặt tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để theo dõi chương trình nghệ thuật “Ký ức khai thông đường hành lang chiến lược Bắc Nam”. Mặc dù 20 giờ chương trình mới bắt đầu nhưng từ rất sớm, đông đảo khán giả đã lấp đầy khoảng trống trước sân khấu.
Đây là sự kiện ý nghĩadiễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày khai thông tuyến đường chiến lược huyền thoại nối Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Với 90 phút của chương trình, các ca sĩ, nghệ sĩ bằng lời ca, tiếng hát, những hoạt cảnh sân khấu sống động, họ đã bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ trẻ đến những người đã chiến đấu, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chương trình nghệ thuật "Ký ức khai thông đường hành lang chiến lược Bắc Nam" tái hiện lại thời khắc 57 năm về trước, đường hành lang chiến lược Bắc Nam đã được thông tuyến trong niềm hạnh phúc của những người mở đường. Trong hoàn cảnh việc chi viện cho kháng chiến tại chiến trường miền Nam gặp muôn vàn khó khăn, việc thông tuyến và bảo vệ an toàn con đường huyền thoại đã góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi.
Đông đảo khán giả đã có mặt theo dõi chương trình
Gần 60 năm sau ngày thông tuyến, đường hành lang chiến lược Bắc Nam đã trở thành một phần của tuyến đường Hồ Chí Minh, nối liền Tây Nguyên với cả nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vùng đất cực nam Tây Nguyên và cả vùng Đông Nam Bộ.
Ca sĩ Huỳnh Lợi,Thụy Vân, Đình Nguyên kết hợp với dàn hợp xướng và nhóm múa của Đắk Nông mở màn qua liên khúc thể hiện hào khí, tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong chiến tranh. Trên sân khấu, ca sĩ và những hoạt cảnh đã tái hiện lại chân thật và xúc động giây phút lịch sử bi tráng mà hào hùng.
Ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua với song ca Huỳnh Lợi - Thụy Vân
Quốc Đại và Hà Vân có màn song ca qua ca khúc Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Hà Vân và Pha Lê với những giai điệu rộn ràng, vui tươi qua sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hồng, ca khúc Xuân chiến khu. Âm điệu đầy hào sảng, vui tươi đã thể hiện được tinh thần lạc quan của chiến sĩ ta trong thời kỳ chiến tranh.
Ca sĩ Pha Lê song ca với Lân Nhã Liên khúc Người mẹ của tôi (sáng tác Xuân Hồng) và Đất nước (sáng tác Phạm Minh Tuấn). Hình ảnh người mẹ hiện lên với “thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang…” cùng hình ảnh đất nước thanh bình trong cờ đỏ sao vàng trên sân khấu khiến người xem không khỏi xúc động.
Ca sĩ Cẩm Vân gửi đến ca khúc Bài ca không quên sáng tác Phạm Minh Tuấn. Ông là một trong những nhạc sĩ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng về sự thăng hoa của dòng nhạc truyền thống cách mạng.
Ca sĩ Đình Nguyên với bài hát Phố thị hoa vàng (Thơ Trần Lê Châu Hoàng, phổ nhạc Xuân Chung). Cùng với nhóm múa phụ họa, ca khúc thể hiện khát vọng xây dựng quêhương Đắk Nông trong thời kỳ mới.
Liên khúc tình ca Đắk Nông và Tình ca Tây Nguyên qua song ca nam Đình Nguyên – Lân Nhã cùng điệu múa dân tộc đặc trưng của miền cao nguyên. Qua đó thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình.
Tiết mục Việt Nam gấm hoa, sáng tác Minh Châu với sự kết hợp của tất cả các nghệ sĩ đã khép lại chương trình.
Giao lưu cùng với nhân chứng lịch sử tại chương trình
Đan xen trong những tiết mục ca nhạc, không gian có lúc chùn xuống khi nhìn lại những phóng sự tài liệu về khó khăn gian khổ mà ông cha ta đã trải qua ngày ấy. Đặc biệt, phần giao lưu tọa đàm cùng với những nhân chứng lịch sử đã giúp cho thế hệ hôm nay thêm tự hào vì tinh thần bất khuất của dân tộc ta trong sự nghiệp góp bảo vệ đất nước.
Sơn Phạm - Trang Nhung