Theo Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đơn vị đăng kiểm tại TP.HCM thiếu hạng mục kiểm tra về "trang bị ngăn ngừa ô nhiễm nước thải".
Bảo vệ môi trường

Đăng kiểm TP.HCM thiếu hạng mục kiểm tra về ‘trang bị ngăn ngừa ô nhiễm nước thải’

Tường Anh 28/03/2024 15:07

Theo Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đơn vị đăng kiểm tại TP.HCM thiếu hạng mục kiểm tra về "trang bị ngăn ngừa ô nhiễm nước thải".

Thanh tra Bộ GTVT vừa có Kết luận thanh tra số 220 về việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa trực thuộc một số sở GTVT, trong đó có TP.HCM...

Theo đó, 4 đơn vị đăng kiểm gồm Nam Định, Ninh Bình, TP.HCM, Cần Thơ có hồ sơ kiểm định đóng mới, hoán cải không thể hiện việc đã thực hiện kiểm tra điều kiện năng lực kỹ thuật của cơ sở đóng mới, hoán cải trước khi thực hiện giám sát kỹ thuật theo quy định. Có 3 đơn vị đăng kiểm không có hợp đồng giám sát với chủ phương tiện, chủ cơ sở đóng mới, hoán cải (Nam Định, TP.HCM, Cần Thơ).

h-166849357615713196658.jpeg
Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra các phương tiện vi phạm trên địa bàn - Ảnh: CACC

Đáng chú ý, tại đơn vị đăng kiểm TP.HCM, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ việc thiếu hạng mục kiểm tra về "trang bị ngăn ngừa ô nhiễm nước thải"; có một số nội dung không phù hợp với hạng mục có trên phương tiện nhưng vẫn được ghi nhận kết quả với "trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu", "trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải".

Biên bản kiểm tra không thể hiện loại hình kiểm tra, báo cáo kiểm tra chưa thể hiện đầy đủ các kết quả kiểm tra tại mục “hệ trục, ống bao, ổ đỡ” nhưng vẫn được kết luận thỏa mãn; không thể hiện thông tin về “trục chân vịt" phù hợp với danh mục kiểm tra.

Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT-BVMT) được cấp thiếu thông tin về “sơ đồ phương tiện" về két nước thải, thiết bị xử lý nước thải, trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu phù hợp với nội dung liên quan đã được thể hiện tại danh mục kiểm tra.

Theo Thanh tra Bộ GTVT, nguyên nhân để xảy ra các tồn tại nói trên là số lượng phương tiện thủy nội địa phân bố không đồng đều theo địa giới hành chính. Tại một số địa phương, số lượng phương tiện kiểm định ít, gây khó khăn cho đơn vị đăng kiểm trong việc duy trì, bố trí đủ số lượng đăng kiểm viên.

Địa bàn thực hiện kiểm định rộng, phức tạp theo địa hình tự nhiên nên khó khăn trong hoạt động kiểm định tại hiện trường cũng như việc kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm đối với đăng kiểm viên. Mặt khác hiện nay chưa có các quy định về việc sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giám sát hoạt động của đăng kiểm viên nên việc giám sát còn nhiều bất cập.

Cùng với đó, lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm chưa sâu sát trong phân công nhiệm vụ và giám sát hoạt động của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong khi chất lượng kiểm định ATKT-BVMT phương tiện thủy nội địa hoàn toàn phụ thuộc vào việc chấp hành các quy định, quy trình, thủ tục đăng kiểm của đăng kiểm viên.

Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm được thanh tra, các sở GTVT, Cục Đăng kiểm VN tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế nêu trên.

Các sở GTVT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tại đơn vị đăng kiểm thủy nội địa để phát hiện nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.

Tại TP.HCM, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ đơn vị đăng kiểm và lãnh đạo Sở GTVT phụ trách lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời để xảy ra các tồn tại, hạn chế. Các đăng kiểm viên có những tồn tại, hạn chế trong quá trình kiểm định phương tiện gồm Lê Khắc Hùng, Vũ Việt Hà, Nguyễn Văn Bảy, Lữ Công Quý, Nguyễn Văn Kiệt.

Tại Cục Đăng kiểm VN, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời để xảy ra các tồn tại, hạn chế liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cục phụ trách công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và Trưởng phòng Tàu sông.

Liên quan đến sai phạm tại Cục ĐKVN, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 254 bị can với hàng chục tội danh khác nhau, trong đó có ông Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, đều là nguyên Cục trưởng Cục ĐKVN, ông Nguyễn Vũ Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục ĐKVN cùng hàng loạt lãnh đạo trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác trên cả nước.

Đáng chú ý là sai phạm của cán bộ, nhân viên Phòng Tàu sông (VR), Chi cục Đăng kiểm số 6, Chi cục Đăng kiểm số 9, Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng. Các hành vi vi phạm được công an xác định trong lĩnh vực này gồm: Nhận hối lộ; cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa; cấp thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa tại Cục ĐKVN và Phòng Tàu sông; vi phạm về hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định đường thủy...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đăng kiểm TP.HCM thiếu hạng mục kiểm tra về ‘trang bị ngăn ngừa ô nhiễm nước thải’