Theo đài Channel News Asia, tình trạng thiếu nước hằng ngày khiến doanh nghiệp và người dân đảo du lịch nổi tiếng Koh Samui (Thái Lan) đặt nhiều câu hỏi về sự phát triển bền vững.

Đảo du lịch Thái Lan bị thiếu nước trầm trọng

Cẩm Bình | 02/10/2023, 14:05

Theo đài Channel News Asia, tình trạng thiếu nước hằng ngày khiến doanh nghiệp và người dân đảo du lịch nổi tiếng Koh Samui (Thái Lan) đặt nhiều câu hỏi về sự phát triển bền vững.

Cách ánh đèn lung linh cùng những bữa tiệc hồ bơi dọc theo bãi biển cát trắng nổi tiếng không xa, vài chàng trai trẻ lái xe bán tải đang góp sức duy trì hoạt động của Koh Samui. Họ vận hành hệ thống bơm hút nước ngầm, nước được lọc rồi bơm vào xe bồn.

Mỗi ngày Sarayut Lanlongsa dành 14 tiếng đồng hồ lái xe đi cung cấp nước cho hàng loạt cơ sở kinh doanh. Dù có thể làm thêm giờ nếu muốn vì nhu cầu rất lớn, anh vẫn quyết định nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe. Một người khác lại quyết định làm việc suốt ngày đêm.

Đảo Koh Samui chưa bao giờ “khát” đến vậy. Đảo du lịch này hiện bị khủng hoảng nước nghiêm trọng. Nhiều tháng qua, điều kiện hạn hán cùng cơ sở hạ tầng yếu kém, lượng khách du lịch bùng nổ khiến chính quyền địa phương không thể cung cấp đủ nước cho người dân. May nhờ có các đơn vị tư nhân vào cuộc và họ thu được lợi nhuận lớn.

Lanlongsa chia sẻ: “Trước đây khách hàng của chúng tôi là biệt thự sang trọng nằm trên cao vì họ có bể bơi cần nhiều nước. Nhưng thời gian gần đây khách có nhu cầu nước ở khắp mọi nơi trên đảo”. Trong những ngày khô nóng, anh thực hiện đến 40 chuyến đến nhiều khách hàng khác nhau, mỗi lần giao 2.000 lít nước. Anh không sợ bị cạnh tranh do nhu cầu ngày càng tăng cao.

Nguồn cung nước ngọt của Koh Samui thường thiếu hụt như bao đảo nhỏ khác. Đảo có 4 hồ chứa chính, chủ yếu được sử dụng cho trường hợp khẩn cấp chẳng hạn nắng nóng hạn hán kéo dài. Lâu nay người dân địa phương dựa vào giếng tự đào, nhưng Koh Samui đã thay đổi đáng kể nên nguồn nước này cũng cạn kiệt.

daothai.jpg
Thiên đường du lịch Koh Samui thiếu nước trầm trọng - Ảnh: CNA

Những năm 1970, Koh Samui nổi lên như điểm du lịch hoang dã cho khách ưa mạo hiểm. Từ đó đến nay đảo chuyển mình thành điểm đến nghỉ dưỡng sang trọng đầy đủ dịch vụ.

Trước năm 2014, lượng khách bị hạn chế do mỗi ngày chỉ có 36 chuyến bay đến đảo. Đến năm 2023, chỉ tính riêng tháng 7 đã có 2.268 chuyến bay - tương đương mỗi ngày 74 chuyến - khiến lượng khách nhanh chóng đạt mức đỉnh như trước đại dịch. Dự kiến Koh Samui sẽ đón khoảng 30.000 khách/ngày trong mùa cao điểm này. Lượng phòng khách sạn, nhà hàng, biệt thự cao cấp, sân gôn tăng theo cấp số nhân tạo ra sức ép lớn cho nguồn tài nguyên hạn chế.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy trải dài trên vách đá hướng ra vịnh Thái Lan là dãy biệt thự nghỉ dưỡng nằm san sát nhau. Tiến sĩ Kannapa Pongponrat Chieochan (Đại học Thammasat) cho biết: “Rất nhiều trường hợp là xây dựng trái phép. Mọi thứ vô cùng hỗn loạn. Việc thực thi pháp luật rất yếu vì bị can thiệp chính trị. Vì vậy mà tình hình ngày một tồi tệ”.

Nhu cầu của ngành du lịch thúc đẩy lao động di cư trong thập niên qua. Dân số quá đông dẫn đến tiêu dùng quá mức, gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Ngày nay, con đường chính ở bãi biển Chaweng tập hợp nhiều quán bar, nhà hàng, tiệm bán cần sa và cơ sở mát xa, hai bên là khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tất cả đều chịu cảnh thiếu nước thường xuyên.

Vài tháng gần đây, chủ tiệm Herbs Massage Jinda Sri-art không ít lần rơi vào tình huống khó xử. Nhân viên phải đích thân tắm cho khách bằng xô trước khi mát xa và nhà vệ sinh không thể xả nước. Bà cho biết: “Chúng tôi xin lỗi và giải thích với khách rằng hiện tại đang thiếu nước. Herbs Massage cảm thấy khó chịu vì không cung cấp được dịch vụ tốt”.

Sri-art phải mua nước từ đơn vị tư nhân, nhưng việc này cũng khó khăn không kém do danh sách cơ sở kinh doanh đặt giao hàng càng ngày càng đông. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Koh Samui Ratchaporn Poonsawat: “Hiện tại đơn vị cung cấp nước thực sự rất có quyền. Mọi người đều cần tìm họ”.

Ông còn cho biết tình hình càng thêm trầm trọng khi ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau đại dịch: “Chúng ta đang gặp khủng hoảng về nước. Nước là nguồn tài nguyên khan hiếm. Trong thời kỳ COVID-19 mọi người quên mất những vấn đề này. Giờ đây mọi thứ trở lại như cũ và chúng ta lại phải đối mặt”.

Quyền thị trưởng Koh Samui Sutham Samthong nói với Channel News Asia: “Nếu mọi người không nhận ra cần tiết kiệm nước, thì dù họ ở đâu chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể cung cấp đủ nước cả. Do đó phải nâng cao nhận thức của công chúng rằng nước rất quý giá và cần dùng tiết kiệm”.

dao01.jpg
Koh Samui ngày càng đông đúc - Ảnh: CNA

Nguyên nhân chính

Khách sạn vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân chính gây thiếu nước.

Năm 2018, khách sạn W tọa lạc phía bắc Koh Samui dùng hơn 90% nước mua từ đơn vị công, phần còn lại mua từ đơn vị tư nhân. Đến nửa đầu năm 2023 khi nhu cầu sử dụng tăng cao kỷ lục, tỷ lệ nước lấy từ đơn vị công chỉ còn khoảng 10%. Tổng giám đốc Jirapha Krataithong ước tính chi phí mua nước hiện tại đã tăng gần gấp đôi so với mức hơn 40.000 USD vào năm ngoái (giai đoạn có tới 30% nước của khách sạn do đơn vị tư nhân cung cấp).

“Đây không phải khoản lớn nhưng cũng làm tăng chi phí. Chúng tôi rất biết ơn vì vẫn còn nước”, theo bà Krataithong.

Khu nghỉ dưỡng Sala Samui Chaweng Beach lân cận chủ yếu dựa vào nước từ giếng riêng. Kỹ sư trưởng Pairoj Nawan tin rằng sự phát triển nhanh chóng của đảo khiến cung cầu mất cân bằng. Ông nhấn mạnh mọi doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp lớn - đều cần có kế hoạch dự phòng.

“Chúng tôi cố gắng sử dụng nước tiết kiệm và nâng cao sức chứa của giếng, vì khi hết nước máy mọi người sẽ đổ xô đi mua. Ngày xưa lúc đến đây du khách tìm thấy thiên đường. Bây giờ thiên đường trở nên tệ hơn. Tôi không muốn nghe du khách nước ngoài nói họ đã chịu cảnh thiếu nước ở Koh Samui”, ông Nawan chia sẻ.

Áp lực ngân sách

Một đường ống ngầm từ đất liền hoàn thành năm 2019 là nguồn nước chính cho Koh Samui. Hồ chứa trên đảo chỉ đủ sức đáp ứng chưa tới 1/4 nhu cầu hằng ngày vào khoảng thời gian cao điểm, chúng thường chỉ được sử dụng vào mùa khô. Vì vậy khi nhu cầu tăng thì lượng nước bơm đường ống ngầm cũng tăng theo: hiện lên đến 24.000 trên tổng số 30.000 mét khối cần thiết (tương đương 12 bể bơi chuẩn Olympics).

Quan chức đứng đầu cơ quan cấp nước tỉnh Surat Thani (PWA) Prateep Kusolwattana cho biết đất liền đủ nước để cung cấp cho Koh Samui, nhưng hàng loạt trở ngại về thời tiết, cơ sở hạ tầng, ngân sách lẫn chính trị góp phần gây nên khủng hoảng hiện tại. Bảo trì hay sửa chữa đường ống ngầm có thể khiến toàn bộ hòn đảo đột ngột rơi vào tình trạng bất ổn. Mưa ít quanh năm khiến hồ chứa cạn kiệt đến mức báo động, nước hồ chứa Pru Krajood trong tháng 8 chưa đạt đến 10%. Thời tiết nắng nóng lại khiến lượng khách của PWA tăng 24%.

Tháng 9 và tháng 10 thường là khoảng thời gian ẩm ướt ở Koh Samui, vậy mà năm nay lượng mưa lại ít và nhiệt độ cao hơn do hiện tượng El Nino. Biến đổi khí hậu có thể khiến điều kiện thời tiết thay đổi vĩnh viễn, đe dọa đến nguồn nước sẵn có trên đảo. Quan chức Kusolwattana lo ngại El Nino năm sau sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Đường ống thứ 2 dẫn nước đến Koh Samui phải tới năm 2025 mới đi vào hoạt động, và đề xuất nâng cấp hạ tầng cấp nước trên đảo cần đến 42 triệu USD. Một nhà máy khử mặn đã ngừng hoạt động vài năm cần được sửa chữa toàn diện nhưng không có ngân sách, hơn nữa vận hành cơ sở này cũng vô cùng đắt đỏ và tiêu tốn nhiều năng lượng. Xâm nhập mặn khiến chính quyền không thể xây thêm một hồ chứa nữa ở bãi biển Chaweng.

Giới chức trách từng dùng công nghệ tạo mây để đem mưa đến cho Koh Samui trong vài năm khô hạn trước đây. Tuy nhiên biện pháp này không hiệu quả vì phần lớn lượng mưa trút xuống biển chứ không phải trên đảo.

Không riêng Koh Samui, các đảo Koh Phangan, Koh Tao cùng Phuket cũng gặp tình trạng thiếu nước. Theo Chủ tịch Poonsawat: “Chúng ta phải đưa vấn đề vào chương trình nghị sự quốc gia. Mọi người nói ngành du lịch là nguồn thu nhập chính và động lực kinh tế quan trọng nhất của Thái Lan. Nhưng chính sách du lịch thì sao? Tôi chưa thấy chính đảng nào có tầm nhìn thực sự rõ ràng về du lịch và phát triển bền vững”.

Bài liên quan
Thái Lan dự kiến thu hút thêm khoảng 4 triệu du khách khi thông qua luật hôn nhân đồng giới
Việc thay đổi luật dự kiến sẽ giúp GDP của Thái Lan tăng 0,3% bằng cách đem lại nhiều doanh thu hơn từ du lịch, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm mới trong ngành du lịch và ngành kinh tế nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảo du lịch Thái Lan bị thiếu nước trầm trọng