Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) chuẩn bị chuyển sang địa điểm mới – báo hiệu chuyển biến trong chính sách của Mỹ với hòn đảo tự trị.

Dấu hiệu Mỹ thay đổi chính sách Đài Loan

Nguyễn Cẩm Bình- 0901321282- 060113793980 | 07/04/2019, 13:11

Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) chuẩn bị chuyển sang địa điểm mới – báo hiệu chuyển biến trong chính sách của Mỹ với hòn đảo tự trị.

Gần 500 người bao gồm cả nhân viên quân sự sẽ chuyển đến khu phức hợp trị giá 255 triệu USD tọa lạc tại quận Nội Hồ (thành phố Đài Bắc) vào ngày 6.5.

Trụ sở AIT mới mất 9 năm xây dựng, có văn phòng 5 tầng cùng một số tòa nhà khác. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách văn hóa - giáo dục Marie Royce gọi đây là biểu tượng cho mối quan hệ “mạnh mẽ, sống động” giữa hai bên trong thế kỷ 21.

Nhưng không chỉ có vậy. Một số nhà phân tích nhận định trụ sở AIT mới thể hiện chuyển biến trong chính sách liên quan đến vấn đề Đài Loan, giữa bối cảnh thách thức ngoại giao lẫn đe dọa quân sự từ Trung Quốc gia tăng.

AIT được thành lập năm 1979 sau khi Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và công nhận chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ, đơn vị này được giao nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích Mỹ tại Đài Loan. Giám đốc AIT đều hưởng đặc quyền ngoại giao.

Cường quốc châu Á luôn xem Đài Loan nhưng phần lãnh thổ không thể tách rời. Vì vậy mà AIT 40 năm nay luôn hoạt động âm thầm nhằm tránh khiêu khích.

Tuy nhiên cơ quan đại diện cho lợi ích Mỹ ngày càng nổi danh kể từ lúc ông Donald Trump làm Tổng thống. Tân Giám đốc AIT Brent Christensen vừa giữ chức từ năm ngoái cứng rắn hơn những người tiền nhiệm.

Ông không ngại lên tiếng ủng hộ Đài Loan và chỉ trích Trung Quốc, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Đạo luật quan hệ Đài Loan – văn bản giúp xác định mối quan hệ với hòn đảo tự trị - có hiệu lực. Christensen tháng trước còn trở thành Giám đốc AIT đầu tiên họp báo chung cùng cơ quan phòng vệ Đài Loan để thông báo khởi động cơ chế đối thoại mới.

Trụ sở AIT mới báo hiệu Mỹ có thay đổi trong chính sách Đài Loan? - Ảnh: EPA-EFE

Đáng chú ý hơn, AIT ngày 3.4 xác nhận quân nhân Mỹ (gồm sĩ quan lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến) đã hiện diện tại văn phòng đơn vị này kể từ năm 2005 và sẽ tiếp tục có mặt. Dù đây là “bí mật” ai cũng biết, nhưng AIT trước nay chẳng hề khẳng định mà chỉ nói rằng có một số ít nhân viên Mỹ phối hợp cùng lực lượng an ninh Đài Loan.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại - quốc phòng cơ quan lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ thậm chí tuyên bố Mỹ đang dần “bình thường hóa” quan hệ với Đài Loan, giống như phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ngoại trưởng Pompeo trước Hạ viện Mỹ hôm 27.3 cho biết chính quyền Trump có cái nhìn toàn diện hơn các chính quyền trước về mối nguy từ Trung Quốc cũng như về nỗ lực giúp Đài Loan giữ lại số đồng minh ngoại giao ít ỏi. Ông cam kết tận dụng Đạo luật Đi lại Đài Loan (TTA) nâng tầm quan hệ.

TTA được thông qua năm ngoái, cho phép quan chức mọi cấp của Mỹ và Đài Loan tiến hành những chuyến thăm lẫn nhau.

Trước đó, nghị sĩ Steve Chabot kêu gọi chính quyền Trump thách thức nguyên tắc “một Trung Quốc”. Hạ viện Mỹ đầu tuần vừa giới thiệu nghị quyết tái khẳng định cam kết của nước này với Đạo luật quan hệ Đài Loan.

Nhưng một số nhà phân tích không nghĩ vậy. Theo học giả quan hệ quốc tế Nghiêm Chấn Sinh thuộc đại học chính trị Đài Loan: “Thay đổi chính sách nêu trên liên quan nhiều hơn đến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Mỹ thực hiện trong khu vực. Để đối phó Trung Quốc bành trướng kinh tế lẫn quân sự thì họ cần tăng cường quan hệ với Đài Loan”.

Giáo sư Alexander Huang đến từ Đại học Đạm Giang nhận định Mỹ tìm cách “làm thân” hòn đảo tự trị hơn vì cán cân trên eo biển Đài Loan đang nghiêng về phía cường quốc châu Á.

Còn giáo sư chính trị học Vương Khôn Nhất từ đại học Văn hóa Trung Quốc (thành phố Đài Bắc) khuyến cáo: “Đài Loan vẫn là con cờ Mỹ dùng trong cuộc cạnh tranh Trung Quốc, chính quyền hòn đảo tự trị sẽ mất tất cả nếu lạm dụng lá bài Mỹ xử lý mối quan hệ tay ba phức tạp”.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu hiệu Mỹ thay đổi chính sách Đài Loan