Việc hoàn tất các hiệp định thương mại lớn như TPP và FTA trong năm 2015 đang đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư quốc tế, thông qua số vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2015 đạt kỷ lục gần 23 tỷ USD.
Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam có thể nói là gần như không có gì, dù nền kinh tế đã có một khoảng thời gian gần 20 năm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư công nghệ sản xuất. Do ít được quan tâm và Chính phủ cũng không có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp mới mẻ này, nên số lượng các doanh nghiệp nội địa đủ khả năng cung ứng linh kiện thiết bị cho khối FDI là rất ít. Theo thống kê, đến giai đoạn 2010 – 2013, chỉ có chưa đầy 20% số doanh nghiệp nội có quan hệ làm ăn với khối FDI, trong đó hàm lượng công nghệ và chất xám cũng rất thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay. Đầu tiên là việc Chính phủ đã không có mức độ quan tâm đủ lớn với ngành này, thông qua việc thiếu các biện pháp hỗ trợ cả về vốn, pháp lý lẫn quy định. Ở Trung Quốc, các dự án FDI lớn của các tập đoàn quốc tế lớn đều bị chính phủ nước này buộc phải chấp nhận một số quy định về phát triển công nghiệp phụ trợ Trung Quốc, chủ yếu là nội địa hóa một số linh kiện trong đó các tập đoàn này phải hỗ trợ các doanh nghiệp nội về dây chuyền máy móc và kỹ thuật. Khi đã có thể cung cấp linh kiện chất lượng quốc tế cho các dự án FDI này, các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp các linh kiện cho các tập đoàn trên toàn thế giới.
Điều tương tự cũng đang diễn ra trong lĩnh vực đầu tư và chuyển giao công nghệ. Hiện Việt Nam vẫn thiếu các quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ từ khối FDI, cộng với việc năng lực thẩm định công nghệ của các cơ quan nhà nước chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI hoặc là trì hoãn không chịu chuyển giao hoặc là chỉ chuyển giao dây chuyền công nghệ cũ và lạc hậu. Trong khi đó các dự án FDI công nghệ cao chiếm khoảng 5-6% tổng số dự án FDI, thì lại gần như không có ràng buộc gì về việc buộc các tập đoàn này phải chuyển giao công nghệ cả.
Ở thời điểm hiện tại dù chính phủ đang có khá nhiều nỗ lực để thay đổi tình trạng trì trệ này, chẳng hạn như Luật chuyển giao công nghệ mới sẽ được trình Quốc Hội vào cuối năm 2016, và mới đây nhất Chính phủ đã có quyết định sẽ hỗ trợ từ 75-80% chi phí cho các doanh nghiệp trong việc mua và chuyển giao công nghệ. Nhưng đó mới chỉ là những vấn đề bề ngoài. Vấn đề cốt lõi nhất trong việc ngăn cản chuyển giao công nghệ từ khối FDI sang khối nội địa, là do sự thiếu tương tích về quy mô giữa doanh nghiệp khối FDI và doanh nghiệp nội. Hầu hết các doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn, sử dụng các dây chuyền công nghệ lớn, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp nội có quy mô nhỏ hơn nhiều, và không thể nhập về một dây chuyền thiếu tương thích như vậy.
Vì thế, để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả, thì ngoài việc chính phủ phải tăng cường những ràng buộc pháp lý, buộc các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài phải tuân theo một lộ trình chuyển giao công nghệ chặt chẽ, thì điều cần làm nhất là phải nâng cao quy mô và hiệu quả của các doanh nghiệp nội. Chỉ khi nào quy mô và điều kiện làm việc của doanh nghiệp nội gần tương đương với doanh nghiệp FDI, thì khi đó việc chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất mới đạt hiệu quả tối ưu.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Baodatviet, The Saigon Times)