ĐBQH cho rằng đang thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh...
Theo dòng thời sự

ĐBQH: Nhiều giáo viên đang 'ngại' xử lý vi phạm của học sinh

Lam Thanh 14:20 20/11/2024

ĐBQH cho rằng đang thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh...

Băn khoăn việc không công khai thông tin trong quá trình xử lý vi phạm nhà giáo

Thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Nhà giáo ngày 20.11, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, nhất là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng.

Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.

ha.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)

Bà Hà cũng đồng tình với quy định tại Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.

“Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay”, bà Hà nêu.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi, bạo lực xúc phạm nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh. Các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí với việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhà giáo. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo.

nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Theo đại biểu Nga, hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia. Nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác của xã hội nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và phải chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả học sinh về hoạt động của mình.

“Nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận. Quy định như dự thảo luật là không phù hợp với các quy chế, quy định của pháp luật và dễ gây dư luận trái chiều”, bà Nga nêu.

Giáo viên “ngại” xử lý kỷ luật học sinh

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) cho rằng trong dự án luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác...

Theo đại biểu Hiền, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.

hien.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An)

Bà Hiền cũng cho rằng báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp…

“Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò”, bà Hiền chia sẻ.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cũng đồng tình rằng hiện còn thiếu quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ này. Giáo viên hiện nay gặp khó khăn trong việc thực hiện biện pháp kỷ luật đối với học sinh.

“Có nhiều giáo viên cảm thấy học sinh và cha mẹ học sinh đang có quá nhiều quyền, trong khi quyền của giáo viên chỉ mang tính hình thức. Khi cần thực hiện các biện pháp nghiêm khắc, giáo viên còn lo ngại về phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện từ phía gia đình học sinh”, ông Tuấn nêu.

tuan.jpg
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)

Do vậy, theo ông Tuấn, một số giáo viên có xu hướng làm việc không tích cực, không phát huy hết năng lực, trí tuệ và tâm huyết. Nguyên nhân là do áp lực công việc ngày càng cao, cảm thấy không được tự chủ và thiếu sự tôn trọng, hợp tác từ phía học sinh và cha mẹ học sinh, dẫn đến tình trạng chán nản, muốn chuyển nghề hoặc về nghỉ hưu sớm…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng nêu thực trạng thời gian gần đây đôi lúc xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Vì vậy, ông Cảnh đề nghị cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, ban đại diện phụ huynh, cơ quan nhà nước.

Nâng cao nghĩa vụ của nhà giáo

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị xem xét bổ sung vào điểm e khoản 2 Điều 9 về nghĩa vụ của nhà giáo. Đây là nội dung nằm trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đã được phát động cách đây hơn 16 năm.

Để đạt được mục đích này, các thầy cô giáo phải thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh; đánh giá công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo.

“Các thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh. Trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, tránh được những bất trắc, nguy hiểm, đe dọa học sinh. Nghĩa vụ của nhà giáo trong xây dựng trường học thân thiện thì ngoài truyền thụ kiến thức còn phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường và điều kiện để học sinh phát triển…”, ông Minh nói.

Bài liên quan
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình cụ thể về chính sách đột phá tiền lương giáo viên
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng, đãi ngộ phù hợp cho nhà giáo
24 phút trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương vẫn không phù hợp. Do đó, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH: Nhiều giáo viên đang 'ngại' xử lý vi phạm của học sinh