Thời gian qua ở nhiều tỉnh thành ĐBSCL tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt đang có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Năm nay Hậu Giang sẽ kiên quyết mạnh tay với việc khai thác thủy sản bằng xung điện. Đây là kiểu khai thác tận diệt. Có thể sẽ khởi tố vài trường hợp để làm gương”.
Đánh cá bằng xung điện là sử dụng điện gây giật và sốc khiến cá tê liệt hay chết hàng loạt để có thể dễ dàng bắt chúng. Để chích điện bắt cá, người ta thả xuống nước 2 điện cực cathode và anode cách nhau một khoảng đủ xa, cỡ 2 - 10 mét, rồi bấm công tắc phóng xung điện mạnh, cỡ 100 - 500V, tạo điện trường trong nước. Điện trường tác động tới cá ở vùng giữa và vùng gần 2 điện cực. Thông thường thì cá bị sốc điện, nếu điện cực mạnh hoặc phóng kéo dài thì sốc điện có thể làm cá chết. Phương pháp này thường chỉ áp dụng đối với các vùng nước ngọt ở sông, hồ, ao, kênh, rạch có diện tích nhỏ.
Tận diệt thủy sản
Anh Nguyễn Văn Trường (38 tuổi, ngụ ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Không phải tôi làm nghề xuyệt cá này quanh năm mà chỉ xuyệt vào mùa nước để trang trải bữa cơm gia đình vào những lúc rảnh rỗi. Vài năm trở lại đây ghe cào điện hoạt động dữ quá, đó là lý do tôi phải buộc sử dụng xuyệt điện. Ghe cào xuyên suốt ngày đêm trên những đoạn sông vắng nên cá tôm trên sông giờ chẳng còn. Nếu dùng câu lưới như chục năm về trước thì giăng suốt ngày có khi không có con cá nào”.
Cũng theo anh Trường, nhiều lần anh bắt gặp những ghe cào điện đánh bắt giữa sông. Không chỉ đánh bắt trái quy định làm cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ, những chủ ghe này sử dụng động cơ công suất lớn có thể gây sạt lở. Ông Nguyễn Văn Ba (ngụ xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) nói: “Ngư dân chúng tôi sử dụng xuồng để thả lưới giăng câu, tranh thủ đánh bắt chút đỉnh. Nhưng vừa thả lưới xuống chưa kịp gỡ lưới thì ghe cào lướt qua quét hết các lưới làm thất thu. Nhiều người dành dụm tiền cả năm sắm lưới mới để làm ăn, nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ, toàn bộ lưới đều bị ghe cào cuốn phăng. Tất cả tôm, cá, hến, ốc... nằm trong gọng cào đều bị xúc hết”.
Ông Ba nói thêm, ngoài đánh bắt bằng ghe cào điện, đánh bắt cá bằng chích điện vẫn được nhiều người sử dụng, việc này khá phổ biến trên các cánh đồng, dưới sông, kênh rạch. “Đây là hoạt động nguy hại làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên và cũng gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác. Điểm khác biệt giữa đánh cá bằng lưới và đánh cá bằng bình châm (bình ắc quy) nằm ở chỗ nếu đánh lưới, những con cá lớn mắc lưới nhưng cá nhỏ sẽ thoát qua mắt lưới và tiếp tục sinh trưởng, sinh sản. Còn đánh bằng bình châm thì lớn nhỏ gì cũng không thoát, bắt tuốt cả cá nhỏ cá con. Cá nhỏ bị châm điện chết trước, nổi lên trước, sau đó cá lớn nổi lên, tiếp tục bị vớt”, ông Ba phân tích.
Theo nhiều hộ dân ở TX.Tân Châu, H.An Phú, tỉnh An Giang, một trong những loại đánh bắt thủy sản có tính chất tận diệt nhất hiện nay chính là ghe cào điện. Các ghe cào này có công suất lớn, hoạt động được cả trên sông lẫn đồng ruộng. Khác với các loại lờ, lọp, câu lưới truyền thống, ghe cào đánh bắt có tính chất tận diệt, nơi nào ghe cào đi qua thì cá tôm đều bị bắt sạch hoặc chết sạch do chịu ảnh hưởng xung điện công suất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lợi thủy sản trên các sông ngày một bị teo tóp, nhiều loài cá nước ngọt liệt vào danh sách quý hiếm, cần được bảo vệ thì có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Không những càn quét vùng mặt nước trên các sông, trên các cánh đồng mà ngay cả những loại thủy sản chỉ sống ở tầng đáy ở các sông lớn cũng bị khuấy đảo bởi các ghe cào hến công suất lớn. Những ghe cào hến này thường đi thành đoàn khoảng từ 2-4 chiếc. Những nơi mà các ghe cào đi ngang hầu như nước dưới sông đều bị khuấy đảo, đen ngòm.
Một cán bộ công an tỉnh An Giang cho biết chích điện bắt cá là kiểu đánh cá phổ biến ở Việt Nam, được nhiều người dân sử dụng trên các cánh đồng, dưới sông, kênh rạch... “Đánh bắt cá bằng điện là hoạt động nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên và cũng gây ra nguy hiểm cho người thực hiện và những người khác. Dù đã bị nghiêm cấm nhưng hiện nay tại nhiều địa phương, tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt cá vẫn diễn ra khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người đánh bắt”, ông nói.
“Những nơi thường xuyên bị đánh bắt như vậy sẽ không còn loài thủy sinh nào tồn tại. Một hậu quả khác là sự nguy hiểm cho người thực hiện do thiếu biện pháp an toàn điện. Nhiều người khi thực hiện chích điện bắt cá, do bất cẩn, chủ quan đã bị điện giật gây tử vong. Hình thức chích điện này rất nguy hiểm tới tính mạng của con người khi sơ suất bị điện giật. Không chỉ dùng ghe mà nhiều người còn lội dọc bờ sông để chích điện, tự gây nguy hiểm đến tính mạng”, vị cán bộ công an cho biết thêm.
Tuyên chiến
Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, những năm qua UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều kế hoạch và văn bản về tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện nhiều giải pháp thả nhiều giống cá quý hiếm bản địa trở về với tự nhiên. Đồng thời để ngăn chặn triệt để sự xâm hại nguồn lợi thủy sản từ các phương tiện khai thác tận diệt, thời gian qua UBND tỉnh An Giang tiến hành không cấp phép khai thác thủy sản đối với các ngư cụ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Đó là các loại cào gọng, cào hến, xiệp, đáy; nghiêm cấm đặt ngư cụ tại điểm cố định (chà, đăng, vó, nò, bò).
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra khai thác thủy sản thường xuyên thực hiện, đã xử lý, buộc làm cam kết, nhắc nhở nhóm người vi phạm về kích điện, kích thước mắc lưới nhỏ, mùa vụ cấm khai thác... Cụ thể vào khoảng 21 giờ ngày 24.12.2020, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an TP.Long Xuyên) phối hợp cùng Công an P.Mỹ Xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên. Khi đến đoạn thuộc P.Mỹ Xuyên, tổ công tác phát hiện bắt quả tang ông Phan Thanh Võ (SN 1970, ngụ tại xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên) sử dụng xuồng máy dùng xung điện đánh bắt cá.
Đến khoảng 21 giờ 55 phút cùng ngày, cũng trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên đoạn thuộc P.Bình Khánh, tổ công tác tiếp tục phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Thoại (SN 1993, ngụ H.Chợ Mới) cùng Nguyễn Thành Chí và Lê Thái Cường sử dụng ghe cào dùng xung điện đánh bắt cá. Tổ công tác tiến hành lập biên bản và thu giữ tang vật gồm 2 bình ắc quy loại 120 AH, 2 thiết bị xung điện, 1 gọng cào và 1 vợt điện cùng nhiều tang vật liên quan…
Ông Phùng Hoàng Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết những hộ dân khai thác thủy sản đều biết việc sử dụng ngư cụ bị cấm, sử dụng điện để khai thác thủy sản là vi phạm pháp luật. Nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có đất để canh tác nên họ vẫn hành nghề. “Nhiều hộ khai thác tái vi phạm nhiều lần, hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do lực lượng còn hạn chế nên công tác thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa thường xuyên và rộng khắp. Nhiều trường hợp sử dụng xung điện, chất độc khai thác thủy sản hoạt động về đêm ở vùng sâu, kênh rạch nhỏ và ngụy trang rất khó phát hiện, gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý”, ông Tuấn nhận định.
Cũng theo ông Tuấn, khi nhu cầu từ thị trường ngày một tăng trong khi nguồn cung tự nhiên đang ngày một cạn kiệt sẽ dẫn đến hệ lụy là nhiều người vẫn bất chấp những quy định của pháp luật để khai thác. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, song để giải quyết dứt điểm tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản thì cần thiết nên có những giải pháp mạnh hơn, liên tục và có sự liên kết phối hợp giữa các tỉnh, thành.