Câu chuyện để Nhà nước quản lý tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thời gian qua gây nên những ý kiến trái chiều từ dư luận.

Để Nhà nước quản lý tiền công đức, nhà chùa liệu có tâm tư?

Tuyết Nhung | 11/06/2021, 10:13

Câu chuyện để Nhà nước quản lý tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thời gian qua gây nên những ý kiến trái chiều từ dư luận.

Cơ quan quản lý di tích sẽ quản lý tiền công đức

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

cong-duc-1619670154_500x300(1).png
Bộ Tài chính đề xuất Cơ quan quản lý di tích sẽ quản lý tiền công đức - Ảnh: Internet

Trong đó, đề xuất tiền công đức sẽ được quản lý bởi cơ quan quản lý di tích đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tiền công đức không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nước, mà được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải có sổ sách thu chi nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Dự thảo thông tư cũng quy định cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước để phản ánh các khoản thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.

Đáng chú ý, về vấn đề quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích, dự thảo của Bộ Tài chính quy định tùy theo lượng tiền tiếp nhận, định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm kê, khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc khà nước.

Đối với việc công đức, tài trợ bằng tiền mặt, người làm công đức, tài trợ sẽ bỏ vào hòm công đức, đưa cho bộ phận tiếp nhận tại di tích, đối với công đức, tài trợ bằng giấy tờ có giá trị, người làm công đức, tài trợ chuyển cho cơ sở quản lý di tích…; hòm công đức phải được niêm phong và sử dụng tối thiểu hai loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập…

Nhà nước không nên quản lý tiền công đức

Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, sư thầy trụ trì một ngôi chùa ở Hà Nội cho biết hiện nay mọi hoạt động duy trì tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, hoàn toàn đều do các chư tăng ni tự túc. Kinh phí để trùng tu, tôn tạo, đều nhờ sự cúng dường của thập phương do nhà chùa kêu gọi.

Cho nên, tiền công đức do người dân cúng dường qua các lễ hội dù bằng hình thức bỏ hòm công đức, chuyển khoản hay dâng trực tiếp đều là chi phí để duy trì đời sống tăng đoàn. Vì vậy, nếu một cơ quan khác đứng ra quản lý tiền công đức của nhà chùa thì chư tăng ni lấy gì để đảm bảo được đời sống tu học và phụng sự Tam bảo.

Theo giới luật nhà Phật, tiền công đức là tài sản của tăng đoàn. Tiền công đức này sẽ được dùng để sơn sửa tượng Phật, in ấn kinh sách, xây chùa...

"Mục đích người dân muốn công đức, cúng dường là để cầu phước. Cúng dường là quyền tự do tín ngưỡng và quyền trao tặng tài sản hợp pháp của mỗi cá nhân mà không ai có quyền xâm phạm. Nếu Nhà nước muốn quản lý dòng tiền này thì Nhà nước phải có trách nhiệm trợ cấp 100% cho chư tăng ni từ khi mới xuất gia cho đến lúc viên tịch. Ngay cả các hoạt động xây chùa, hoằng pháp, tổ chức lễ hội... Nhà nước đều phải tài trợ", vị sư thầy này nhấn mạnh.

Về phía người dân, cũng là một phật tử, chị Lê Hoài Anh ở Hưng Yên cho biết chị không đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính khi để một cơ quan đứng ra quản lý tiền công đức của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Theo chị, việc công đức là hoàn toàn tự nguyện không có sự ép buộc, điều này cũng đã được Bộ Tài chính khẳng định trong dự thảo này nên tiền công đức của phật tử chỉ chư tăng mới có quyền sử dụng. Người dân không có nghĩa vụ trong việc này với Bộ Tài chính.

"Vì vậy, tôi đề xuất Bộ Tài chính hãy xem xét lại đề xuất này, không để bất kỳ một cơ quan hay đơn vị nào đứng ra quản lý dòng tiền mang tính tâm linh này", chị Hoài Anh khẳng định.

Mới đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản gửi tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ Tài chính để góp ý dự thảo thông tư này.

Theo đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường, không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…). Vì vậy, Ban Trị sự Quảng Ninh đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ dù đã được kiểm đếm danh mục di tích.

Ban Trị sự Quảng Ninh giải thích: Trong số 27 chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính được quy định trong Luật Ngân sách không có quy định quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện.

Bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào. Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng quy định tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của giáo hội, được ủy quyền cho nhà sư trụ trì trông coi và toàn quyền sử dụng.

Khoản 5, điều 7, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định nhà chùa được "nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho". Do đó, khoản 4, điều 2 trong dự thảo thông tư quy định "Tiền công đức được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị... quản lý và sử dụng di tích" là không hợp hiến, hợp pháp.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Tài chính phải lấy ý kiến của 16 tôn giáo và gần 40 tổ chức tôn giáo hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
32 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để Nhà nước quản lý tiền công đức, nhà chùa liệu có tâm tư?