KrisEnergy trật bánh bởi nợ và sản lượng đáng thất vọng tại mỏ Apsara.

Giấc mơ dầu mỏ của Campuchia mịt mờ khi đối tác Singapore tuyên bố vỡ nợ

Nhân Hoàng | 07/06/2021, 14:13

KrisEnergy trật bánh bởi nợ và sản lượng đáng thất vọng tại mỏ Apsara.

KrisEnergy, công ty vận hành mỏ dầu duy nhất đang hoạt động ở Campuchia đã sụp đổ vì nợ nần, giáng một đòn mạnh vào hy vọng trở thành nhà sản xuất dầu lớn tại nước này.

Trong thông báo hôm 4.6, KrisEnergy (niêm yết tại Singapore) cho biết không có khả năng thanh toán các khoản nợ và "sẽ tiến hành thanh lý".

Vào tháng 12.2020, KrisEnergy đã kỷ niệm việc khai thác dầu lần đầu tiên ở Campuchia từ Lô A của mỏ Apsara, cách thành phố Preah Sihanouk khoảng 160 km, gần vùng biển Tây Nam của Việt Nam. Thế nhưng, khoản nợ lớn của công ty Singapore vẫn là một mối lo ngại hiện hữu ngay cả khi đó. KrisEnergy đã được tòa án bảo vệ từ các chủ nợ kể từ năm 2019 khi cố gắng cơ cấu lại hơn 500 triệu USD nợ phải trả.

Cuối tháng 3.2021, KrisEnergy đã tiết lộ rằng sản lượng dầu tại mỏ Apsara thấp hơn dự báo. Một nghiên cứu độc lập sau đó cho thấy kết quả từ mỏ Apsara chỉ là một "phần nhỏ" so với các ước tính trước khi phát triển.

Hoạt động kém hiệu quả đồng nghĩa việc tái cơ cấu KrisEnergy, vốn dựa vào dòng tiền từ dự án Campuchia, không còn khả thi nữa.

KrisEnergy cho biết các khoản nợ phải trả của họ vượt quá giá trị tài sản công ty. KrisEnergy thiếu một phương án tái cơ cấu thay thế và không thể đảm bảo nguồn vốn mới trong thời gian ngắn.

KrisEnergy nắm giữ quyền lợi trong 8 giấy phép ở Bangladesh, Campuchia, Indonesia và Thái Lan. Công ty này liệt kê ba tài sản sản xuất: Mỏ ở Campuchia, mỏ dầu và khí đốt tại Thái Lan và mỏ khí đốt trên đất liền ở Bangladesh.

Trong số đó, Campuchia là trọng tâm cốt lõi của KrisEnergy những năm gần đây khi chính phủ nước này theo đuổi tham vọng khai thác dầu kéo dài hàng thập kỷ của mình.

giac-mo-dau-mp-cua-campuchia-mit-mo-khi-doi-tac-singapore-tuyen-bo-vo-no1.jpg
Mỏ dầu Apsara trong bể trầm tích Khmer ở Vịnh Thái Lan

Trước đây từng là một đối tác thiểu số, KrisEnergy đã mua lại cổ phần kiểm soát trong nhượng quyền Lô A từ Chevron (công ty năng lượng khổng lồ của Mỹ) vào năm 2014. Chevron nắm giữ quyền từ năm 2002 nhưng đã rời bỏ sau khi thất bại, bao gồm cả bất đồng với chính quyền về thuế và các điều khoản chia sẻ doanh thu.

KrisEnergy chiếm 95% cổ phần và chính phủ Campuchia nắm giữ 5% cổ phần tại dự án này.

Sau khi ký thỏa thuận sản xuất với chính phủ Campuchia vào năm 2017, KrisEnergy dự kiến ​​sẽ khai thác dầu trong vòng 2 năm nhưng gặp khó khăn khi giá dầu giảm, doanh thu từ các dự án khác giảm và nợ nần chồng chất.

Trữ lượng Lô A - ban đầu ước tính khoảng 400 triệu đến 500 triệu thùng - từng được coi là nguồn doanh thu tiềm năng hàng tỉ USD, nhưng đánh giá lại cho thấy giá trị của mỏ này đã giảm đáng kể do khả năng thu hồi thấp và chi phí khai thác cao.

Dù vậy, Thủ tướng Campuchia - Hun Sen vẫn ca ngợi hoạt động sản xuất dầu được chờ đợi từ lâu là "bước tiến quan trọng" với ngành năng lượng của quốc gia, sẽ mang lại doanh thu và đa dạng hóa nền kinh tế.

Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia đã không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về vấn đề trên.

Một phát ngôn viên của Bộ này bày tỏ sự thất vọng vào tháng 4.2021 sau khi biết kết quả thấp hơn mong đợi từ mỏ Apsara và đưa ra triển vọng khởi kiện KrisEnergy.

Bài liên quan
Công ty đầu tiên khai thác dầu từ giếng ở Campuchia gặp tai ương, tương lai bị đe dọa
Chính phủ Campuchia cảnh báo công ty năng lượng KrisEnergy (Singapore) sẽ phải đối mặt với tiền phạt hoặc tệ hơn nếu tình hình không được cải thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc mơ dầu mỏ của Campuchia mịt mờ khi đối tác Singapore tuyên bố vỡ nợ