Cục Hàng không đưa ra tổng mức đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỉ đồng, đồng thời đề xuất 3 phương án đầu tư.

Đề xuất đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để phát hiện vật thể lạ trên đường băng

Nam Phong | 17/11/2016, 17:16

Cục Hàng không đưa ra tổng mức đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỉ đồng, đồng thời đề xuất 3 phương án đầu tư.

Đó là con số vừa được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT.

Theo thống kê của Cục Hàng không, từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 19 sự cố tàu bay bị cắt lốp, 20 sự cố chim va vào tàu bay làm ảnh hưởng lớn đến an toàn bay. Đặc biệt, khi tàu bay cất, hạ cánh phải chuyển động với vận tốc cao, lực ma sát lớn nếu va vào các vật thể lạ dù rất nhỏ như ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ, chim trời… (gọi chung là FOD - Foreign Object Debris) đều rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc.

Tuy nhiên, hiện nay, tại các cảng hàng không của Việt Nam, việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng lại được thực hiện thủ công, chủ yếu bằng mắt thường, mất nhiều thời gian, không thể kiểm tra liên tục. Mỗi lần kiểm tra đều phải dừng hoạt động bay gây khó khăn, gián đoạn hoạt động bay ở các sân bay có tần suất hoạt động cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, việc đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất với mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay.

Số tiền đầu tư cho hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Nội Bài được đưa ra là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỉ đồng đồng thời đề xuất 3 phương án đầu tư.

Theo đó, phương án 1, sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, phương án này được Cục Hàng không đánh giá là không khả thi do nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn.

Phương án 2, do người khai thác cảng (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV) làm chủ đầu tư. Phương án này có nhiều ưu điểm như chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng, quản lý khai thác khu bay, điều phối hoạt động đảm bảo an toàn đường hạ, cất cánh, an ninh hàng không tại khu bay.

Phương án 3 là thực hiện xã hội hoá theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng dự án thực hiện với các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thoả thuận với nhà đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này lại giao cho người khai thác Cảng hàng không, sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.

Cục Hàng không đánh giá ưu điểm của phương án 3 hiện đang có một số nhà đầu tư quan tâm, có nguồn vốn, sẵn sàng tham gia bởi người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư với lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm). Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là phát sinh thêm nhiều thủ tục đầu tư phức tạp.

Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị ưu tiên phương án 2, nếu không được thì thực hiện phương án 3. Dự kiến, nếu được Bộ GTVT đồng ý, nhà đầu tư sẽ có bảy tháng (từ tháng 11.2016 đến tháng 6.2017) để chuẩn bị đầu tư. Thời gian thi công sẽ thực hiện từ tháng 7-12.2017 và bắt đầu khai thác từ năm 2018.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để phát hiện vật thể lạ trên đường băng