Ngày 4.6, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Đề xuất tách miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ

04/06/2020, 18:11

Ngày 4.6, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Cuộc họp về phân vùng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh: TTXVN

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bộ ngành và nhiều chuyên gia, nhà khoa học để tham góp ý kiến, tiến tới thống nhất phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ.

Đề xuất miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ

Phương án phân vùng là tiền đề để lập các quy hoạch vùng. Do đó, việc xây dựng và thông qua phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 là cơ sở cần thiết để kịp thời triển khai lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phương án phân vùng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã trình Chính phủ 2 phương án.

Phương án 1 do Bộ đề xuất, phân thành 7 vùng, gồm: Đông Bắc (7 tỉnh); Tây Bắc (7 tỉnh); đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh thành); Bắc Trung Bộ (5 tỉnh); Nam Trung Bộ (duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); Đông Nam Bộ (8 tỉnh thành) và đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh thành).

Phương án 2 là theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, trong đó phân thành 7 vùng trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay (6 vùng) và tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành 2 vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Tổng hợp ý kiến các bộ ngành và địa phương về 2 phương án phân vùng nêu trên, phương án 1 được Bộ Y tế và 4 tỉnh chọn; phương án 2 được 10/14 bộ, ngành và 49/59 địa phương chọn bởi nhiều yếu tố hợp lý.

Cụ thể, phương án 2 gồm các vùng: miền núi phía bắc (10 tỉnh); đồng bằng và trung du Bắc Bộ (15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang); Bắc Trung Bộ (5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế); Nam Trung Bộ (8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận); vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh) và đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh).

Việc tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành hai vùng là do vùng này hiện quá dài (hơn 1.300km), do đó các hoạt động giao lưu, kết nối bị hạn chế; vùng có diện tích quá lớn, trải qua nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau; có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu tiết giữa hai phần nam và bắc đèo Hải Vân, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Phương án 2 cũng đưa ra việc mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang để hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Theo phương án này, các tỉnh miền núi phía bắc có sự khác biệt rất lớn so với 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang về kinh tế, địa hình. Trong khi 4 tỉnh này có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng như Hòa Bình - Hà Nội gắn kết về thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng; Phú Thọ, Thái Nguyên - Hà Nội và các tỉnh gắn kết qua phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như: Gang thép Thái Nguyên, Samsung, Giấy Bãi Bằng...; Bắc Giang gắn kết với các địa phương qua phát triển các khu công nghiệp xuất khẩu... Đồng thời, việc mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, để có thêm không gian cho phát triển, đồng thời kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển của các tỉnh mở rộng.

Sau khi mở rộng, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có đặc điểm: Tổng số bao gồm 15 tỉnh, tuy nhiên có nhiều tỉnh diện tích nhỏ nhất nước như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình.

Phương án 2 cho rằng cần phải giữ quy hoạch vùng Tây Nguyên vì đây là vùng có những đặc trưng văn hóa, dân tộc và đời sống xã hội cần được chú trọng để phát huy. Tây Nguyên có nhiều yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị cần được quan tâm, có chính sách riêng để xử lý hài hòa. Bên cạnh đó, về điều kiện tự nhiên, địa hình vùng Tây Nguyên khác so với các tỉnh Nam Trung Bộ: Tây Nguyên có địa hình cao, là cao nguyên đá xếp tầng có độ cao trung bình từ 600 - 800m so với mực nước biển; khí hậu cận xích đạo có hai mùa mưa và khô rõ rệt.

Đề xuất về cơ chế quản lý, liên kết vùng

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng làm nổi bật lên những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Qua ý kiến của các chuyên gia (đa số đồng thuận với phương án 2), Phó thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như: mục tiêu của phân vùng; thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng; đánh giá những tác động về chính sách thông qua kết cấu hạ tầng, thu hút nguồn vốn đầu tư, không gian phát triển của vùng...

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phân vùng phải tính đến sự tương đồng về yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, dân tộc...; phát huy tiềm năng lợi thế của vùng, các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời ứng phó với các thách thức; phát huy sự gắn kết trong nội vùng; ngoài các vùng kinh tế còn cần các vùng đặc thù để tạo động lực phát triển.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp với đa số ủng hộ phương án 2, từ đó xây dựng báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng.

Theo TTXVN/Tin tức

Bài liên quan
Miền Bắc chuyển rét từ ngày 26.11, miền Trung nguy cơ cao sạt lở và lũ quét
Ngày 26.11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi trời rét.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất tách miền Trung thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ