Nhà tôi nằm hút sâu trong xóm, chỏng chơ giữa những đồng lúa đang mùa gặt. Quanh năm, lũ trẻ chỉ biết đến trường, chăn trâu, mót lúa, mò cua... người lớn thì tất bật ruộng đồng, bờ khoai, rẫy mía. Không tivi, không phim ảnh, không ca nhạc, không có bất cứ thú vui giải trí nào ngoại trừ đi xem hát bài chòi vào mấy ngày Tết và hội diễn văn nghệ ở xã. Cái từ 'bê đê' cũng từ đó mà tôi biết.
Mỗi khi đoàn lô tô đến, phá tan không khí đơn điệu, tẻ nhạt, buồn hiu của làng quê. Với người lớn và cả trẻ con, đó là cả một món quà vô giá: chờ đợi, háo hức, tò mò, phấn khởi! Tôi bỏ cơm, học bài từ lúc chạng vạng, ra giếng tắm gội sạch sẽ và tất nhiên là chọn một bộ quần áo tinh tươm nhất.
Mấy bà hàng xóm qua nhà, gọi má tôi í ới: "Đi coi bê đê chị 5 ơi!". Má, tôi và chị tôi, cả em tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi thắp bả mía đi qua đường kiệt (là con đường nhỏ, 2 bên cây cối nhiều), băng qua mấy bờ ruộng dài, đến đường cái (đường chính) và lội bộ tới sân vận động hợp tác xã. Chao ôi, cái gì lạ thế kia? Một thế giới khác chăng? Ánh sáng tưng bừng, nhạc vang náo nhiệt, những gian hàng trải dài. Chao ôi! Chỉ muốn 3 chân 4 cẳng chạy nhanh vào trong mà coi, mà ngắm, mà chơi, mà sống.
Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng
Nói thiệt là coi người ta chơi là chính chứ túi chúng tôi đâu có đồng nào. Nghĩ bụng được coi là đã lắm rồi! Ngắm các gian hàng, chúng tôi tới sân khấu chính khi nghe tiếng ai đó: "Đã đến giờ ca nhạc và quay số, các cô bác anh chị gần xa nhớ mua ủng hộ giùm em. Một vé chỉ có 5 ngàn mà thôi!". Một người phụ nữ nhưng có giọng nói đàn ông, ăn mặc sặc sỡ, hở hang, kỳ quặc, trang điểm đậm bước ra sân khấu mời chào. Lũ chúng tôi như bị thôi miên, nhìn không chớp mắt. Rồi họ mời, bên dưới có người bán vé, rồi họ hát, hát cực hay, nhảy cực sung.
"Số gì đây, số gì đây, giờ ra con mấy, con mấy gì đây. Chúc Anh Đài là gái giả trai, 32, 32, con 32" - những câu hát dò số quen đến thuộc làu. Có lần tôi liều mua 1 vé, trúng được 5 gói mì chính (bột ngột), ôi thôi là mừng, về ăn cả năm không hết.
Coi miết đâm ra nghiện, nghiện cái không khí của hội chợ và nghiện cả những người "bê đê". Họ đến từ đâu chúng tôi không biết, tại sao gọi họ là "bê đê" chúng tôi không rõ. Nghe người lớn bảo là "nửa đàn ông, nửa đàn bà". Đêm nào cũng nghe họ hát bài này: "Ngày mẹ sinh em ra, nói thằng này lạ kỳ, đàn ông tính tình đàn bà, trai chẳng ra trai, gái nào phải gái, đồng tình hay luyến ái, mà sao nó giống con trai". Ngày đó không biết gì nhưng sao nghe giọng chị ấy buồn lắm, mình cũng gần rưng rưng...!
Đoàn hội chợ ở lại đến 10 ngày. Ban đêm họ diễn, ban ngày họ ở trong 1 chiếc xe, có khi dựng lều. Họ ra chợ mua đồ ăn, bà con kéo nhau tới xem như hội, có những ánh mắt kỳ thị, dè bỉu, coi khinh. Họ vẫn thân thiện, cởi mở, vô tư và luôn cười. Khi họ đi, bãi sân vắng hiu, xóm làng thôi náo nức. Lâu lâu lại nghe ai đó thở dài: "Bữa ni không có bê đê mà đi coi hỉ!".
Nhiều ký ức lắm tôi không kể hết. Cả tuổi thơ tôi có niềm vui đến từ những ngày đoàn hội chợ đến như vậy. Hơn 13 năm chứ ít ỏi gì! Ra thành phố học, Tết về thỉnh thoảng cũng đi xem với má và mấy cô dì trong xóm. Rồi mỗi ngày cái cảm giác tò mò, háo hức về những con người khác biệt đó dần ít đi. Thấy thương cho họ nhiều hơn.
Cho đến hôm nay được xem phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm, tôi đã lặng đi. Bao nhiêu ký ức cuộn về, nghẹn ứ! Không nói gì được, mình chỉ nói với chị Hồng Ánh (nhà phát hành phim) là mình chỉ có một điều ước ngay lập tức lúc đó: ước gì ba má mình, anh chị em mình, cô, dì, chú bác mình, những người trong xóm làng cũng có thể xem được. Dù chỉ 1 lần!
Theo Facebook Minh Nga