Sau nhiều tranh cãi về mô hình hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, Quốc hội vừa chính thức đồng ý cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng khi các doanh nghiệp bị cấm hoạt động công khai sẽ có nhiều biến tướng gay gắt hơn thông qua việc hoạt động chui.

Dịch vụ đòi nợ thuê: Đã bị Quốc hội cấm, nhưng hoạt động chui sẽ tràn lan

24/06/2020, 15:29

Sau nhiều tranh cãi về mô hình hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, Quốc hội vừa chính thức đồng ý cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng khi các doanh nghiệp bị cấm hoạt động công khai sẽ có nhiều biến tướng gay gắt hơn thông qua việc hoạt động chui.

Hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê diễn ra bất cập với nhiều biến tướng - Ảnh: Internet

Hiện cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP.HCM với 84 doanh nghiệp và Hà Nội với 62 doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động này nở rộ diễn ra tại nhiều địa phương như Bình Dương, Hải Dương...

Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội.

Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tín dụng đen... gây mất an toàn xã hội.

Cụ thể, nhiều tổ chức đòi nợ thuê hiện nay đã lợi dụng vào chuyện “tranh chấp dân sự” để hành xử theo kiểu côn đồ, xã hội đen, bằng mọi cách ép người vay nợ phải trả nợ. Không đòi được chính người vay nợ, chúng chuyển sang đe dọa, bức hiếp, làm mất uy tín, danh dự cả những người thân của con nợ.

Minh chứng rõ nhất là ngày 21.6 vừa qua, một người đàn ông tên Tâm ở Bình Dương đã phải nhảy sông tự tử vì vay tiền của một công ty tài chính nhưng không thể trả. Thông tin từ người thân cho biết ông Tâm liên tục bị một băng nhóm khủng bố tinh thần dẫn đến sợ hãi. Ông vay nợ 70 triệu đồng nhưng bị ép giấy nợ với số tiền 105 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi.

Những trường hợp khác, hoạt động đòi nợ thuê diễn biến phức tạp với nhiều biến tướng. Người của công ty đòi nợ không chừa bất kỳ thủ đoạn nào để cưỡng ép con nợ, hoặc người nhà con nợ phải trả tiền. Thậm chí, chúng còn ngang nhiên xông thẳng vào tư gia tự ý phong tỏa, chiếm giữ tài sản cá nhân, nhiều trường hợp người bảo vệ gia đình còn bị chết oan...

Có thể thấy, quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch đòi nợ thuê diễn ra trên thực tế là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy định. Trước tình hình mô hình này hoạt động phức tạp, gây nhiều bất ổn cho xã hội, Quốc hội ngày 17.6 vừa qua đã đồng ý cấm dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư sửa đổi vừa được thông qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng hoạt động này dù bị cấm nhưng nếu không được cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý chặt chẽ sẽ diễn ra những hoạt động đòi nợ chui với biến tướng còn đáng sợ hơn nhiều.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định kinh doanh đòi nợ thuê là một mảnh ghép vừa là nghịch mà cũng là thuận trong tình hình kinh tế thị trường hiện nay. Ở hầu hết quốc gia trên thế giới vẫn tồn tại mô hình kinh doanh đòi nợ thuê. Cái khó trong mô hình này là tính pháp lý hình thành doanh nghiệp. Ước tính có khoảng 3-5% số nợ hiện nay các chủ nợ không đòi được. Do đó, các công ty phải nhờ bên thứ 3 đi đòi nợ thuê.

Ở Việt Nam, thời gian qua, dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê không hoạt động theo hệ thống pháp luật, dù có những doanh nghiệp đã đăng ký thành lập doanh nghiệp đòi nợ thuê. Nhưng do cơ chế chính sách của ta đối với mô hình doanh nghiệp này không đến nơi đến chốn nên từ đó các doanh nghiệp đã sử dụng các biện pháp "ngoài pháp luật" để đòi nợ như: tra tấn, khủng bố về mặt tinh thần, dọa nạt người thân con nợ...

Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cấm hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê. Về những mặt nào đó thì quyết định này có ý nghĩa tích cực, làm giảm những hành động đòi nợ thuê không lành mạnh. Nhưng điều này chỉ ổn định trước mắt, bởi về lâu dài, theo ông Thịnh, sẽ làm những hoạt động đòi nợ diễn ra bí mật, hay còn gọi là hoạt động chui nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Như vậy, lặp lại cái vòng luẩn quẩn với những biến tướng khủng khiếp hơn.

"Loại hình này đang là mảnh đất màu mỡ được cá nhân, tổ chức ở các quốc gia khác khai thác, tận dụng một cách nền nếp và gọn gàng với cơ chế chính sách chặt chẽ. Nếu Việt Nam có được một hành lang pháp lý tốt thì sẽ không có nhiều biến tướng đáng buồn như hiện nay. Ngược lại, nếu cấm mô hình này, cơ quan chức năng cũng phải giám sát chặt chẽ, nếu không thì các doanh nghiệp vẫn hoạt động trong bóng tối với những chiêu trò biến tướng còn đáng sợ hơn, gây bất ổn cho xã hội", vị chuyên gia bày tỏ sự lo ngai.

Trước đó, nhiều chuyên gia và luật sự cho rằng thay vì cấm hoạt động này thì nên có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để tránh các doanh nghiệp hoạt động chui với nhiều biến tướng hơn. Chẳng hạn để giúp chủ nợ thu hồi khoản nợ thì có thể kiện ra tòa, tiến hành thu hồi nợ bằng con đường tố tụng, bằng một bản án có hiệu lực của tòa án....

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch vụ đòi nợ thuê: Đã bị Quốc hội cấm, nhưng hoạt động chui sẽ tràn lan