Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sai sót trong việc ghi sai số công tơ điện là sai sót cá nhân, sẽ kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ điện những ngày qua, gây bức xúc dư luận.

Số điện nhiều hộ dân tăng vọt, EVN nói do sai sót cá nhân, sẽ cho phúc tra

23/06/2020, 15:44

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sai sót trong việc ghi sai số công tơ điện là sai sót cá nhân, sẽ kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ điện những ngày qua, gây bức xúc dư luận.

Hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình liên tục tăng mạnh 2 tháng 5 và 6.2020 - Ảnh: Internet

Trước thông tin một số đơn vị điện lực ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Dương... ghi sai số công tơ điện của hộ gia đình khiến tiền điện mỗi tháng tăng lên hàng chục triệu đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các tổng công ty điện lực yêu cầu kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.

Ngoài ra EVN sẽ nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hóa đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng).

EVN cũng yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện lịch ghi chỉ số, gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện theo mẫu mới đến khách hàng qua email, Zalo, hoặc ứng dụng (App) Chăm sóc khách hàng để khách hàng chủ động so sánh việc sử dụng điện với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Về công tơ (điện kế) đo lường lượng điện năng tiêu thụ, EVN cho biết công tơ đang sử dụng khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26.7.2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26.9.2013 của Bộ Khoa học - Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Về việc thu thập dữ liệu về chỉ số tiêu thụ điện, EVN cho biết lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong Hợp đồng mua bán điện. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của điện lực. Việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa đối với các công tơ điện tử.

Đối với công tơ cơ được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra, đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

"Một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là những sai sót cá nhân, còn hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người", EVN cho hay.

Liên quan đến tình hình tiêu thụ điện, EVN dự kiến kỳ hóa đơn tháng 6.2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng tăng mạnh sử dụng điện so với tháng 5. Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20.6.2020, đã có hơn 7,22 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt (chiếm 27,77% số khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5 (gấp 2,33 lần so với tháng 5).

Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Riêng đối với máy điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10 độ C, lượng điện tiêu thụ của máy tăng từ 2 - 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50 độ C, lượng điện tiêu thụ của máy tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng máy điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn giữ ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%. Đối với với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, việc sử dụng điện sẽ tăng lên đột biến, dẫn tới chi phí sử dụng điện cũng tăng theo.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số điện nhiều hộ dân tăng vọt, EVN nói do sai sót cá nhân, sẽ cho phúc tra