Các công ty công nghệ Mỹ lo ngại những nỗ lực ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa, và những nhóm lợi ích kinh doanh của Thung lũng Silicon sẽ bị liên lụy.

Doanh nghiệp công nghệ Mỹ với nỗi lo bị Trung Quốc trả đũa

Cẩm Bình | 07/05/2018, 15:15

Các công ty công nghệ Mỹ lo ngại những nỗ lực ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa, và những nhóm lợi ích kinh doanh của Thung lũng Silicon sẽ bị liên lụy.

Hôm 2.5, Lầu Năm Góc thông báo cấm sử dụng điện thoại Huawei, ZTE trong mọi căn cứ quân sự của nước này. Nhà Trắng cũng được cho đang xem xét ban hành quy định hạn chế sự hiện diện của một số công ty Trung Quốc tại Mỹ.

Trên đây là những động thái mới nhất trong nỗ lực đối phó doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc của chính quyền Washington và nhiều thành viên Quốc hội Mỹ. Theo họ, các đối tác Trung Quốc sẽ lợi dụng những cơ hội gần gũi với chính quyền để tạo ra những lỗ hổng bảo mật hoặc ăn cắp thông tin cho tình báo Bắc Kinh. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Conaway đầu năm 2018 từng tuyên bố: “Chúng tôi không muốn có những “cửa hậu” bí mật trong hệ thống của chúng ta”.

Vào năm ngoái, chính quyền Washington đã có hai lần ngăn cản doanh nghiệp Trung Quốc mua lại đối tác Mỹ. Tại Quốc hội, nhiều nghị sĩ cũng theo đuổi một đạo luật cấm các cơ quan liên bang kýhợp đồng cho công ty công nghệ Trung Quốc thầu dự án, đồng thời gây sức ép buộc nhà mạng Mỹ hủy bỏ một thỏa thuận với Huawei.

Tuy nhiên, công ty công nghệ Mỹ lo ngại những hành động ngăn cản hoạt động như vậy sẽ bị Bắc Kinh đáp trả. Ashley Berrang, người phát ngôn của Hội đồng Ngành công nghệ thông tin, cho biết: “Thuế quan và bất kỳ biện pháp trả đũa khả dĩ nào của Trung Quốc đều làm tổn thương người tiêu dùng, doanh nghiệp và người lao động Mỹ, chứ không đem lại sự cân bằng nào”.

Giới chuyên gia đánh giá lo lắng này không sai. Theo ông Rob Atkinson, Chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Sáng tạo: “Trung Quốc có thể lấy cớ chống độc quyền và nhắm vào công ty Mỹ. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Không hề có rào cản ngăn họ lại”.

Về biện pháp trừng phạt, Bắc Kinh có khả năng áp dụng chính chiến thuật mà Mỹ dùng với họ: chặn các vụ sáp nhập giữa công ty hai nước, hạn chế đầu tư vào các công ty nước ngoài và cấm không cho doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu các dự án nhà nước.

Ông Tony Balloon, chuyên gia làm việc tại công ty luật Alston & Bird, cho rằng: “Nguy cơ các đơn hàng bị hủy bỏ, tiếp cận thị trường bị hạn chế. Tất cả những cách này đều có thể được chính quyền Trung Quốc thực hiện. Tôi nghĩ họ có nhiều khả năng dùng chúng để trả đũa”.

Bắc Kinh đã “đánh tiếng” rằng họ không hài lòng với những biện pháp của Washington nhằm hạn chế hoạt động của công ty Trung Quốc. Trong cuộc đàm phán thương mại tuần trước, nước này đã đặt vấn đề với quan chức Mỹ về vụ trừng phạt công ty thiết bị viễn thông ZTE.

Lệnh trừng phạt ZTE khiến căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ leo thang - Ảnh: The Wall Street Journal

Theo Paul Triolo, chuyên gia về các chính sách công nghệ của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group: “Nếu Bộ Thương mại Mỹ vẫn quyết giữ lệnh cấm, Washington về cơ bản sẽ giết chết nhà sản xuất điện thoại số 2 của Trung Quốc. Kịch bản xấu nhất là công ty Apple sẽ bị nhắm đến”.

Trung Quốc sẽ gặp khó nếu đụng đến những công ty như nhà sản xuất linh kiện bán dẫn như Qualcomm, vốn đóng vai trò không thể thiếu với nhiều doanh nghiệp công nghệ nước này, nhưng gia tăng áp lực với các đối tượng ít quan trọng hơn như Apple vẫn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Michael O’Hanlon của Viện nghiên cứu Brookings cho rằng những hạn chế mà Mỹ ban hành là không thể tránh khỏi. Ông khẳng định: “Sẽ thật ngu ngốc và bất cẩn nếu để công ty như vậy (Huawei, ZTE) dễ dàng tiếp cận bí mật của chúng ta”.

Cẩm Bình (theo The Hill)
Bài liên quan
TikTok hiện thông báo tạm ngừng hoạt động ở Mỹ, nhắc đến ông Trump, vẫn khả dụng tại Việt Nam
TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ hôm 19.1 trước khi lệnh cấm liên bang với ứng dụng video ngắn do tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) sở hữu có hiệu lực, cắt đứt quyền truy cập vào nền tảng có hơn 170 triệu người dùng Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp công nghệ Mỹ với nỗi lo bị Trung Quốc trả đũa