Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng khá (dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm).
Dẫn báo cáo của các địa phương, Bộ Công Thương cho biết tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết.
"Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương", Bộ Công Thương đánh giá
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hoệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp...
Tại Hà Nội, đại diện Sở Công Thương cho biết đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó chú trọng tăng cường các mặt hàng thiết yếu như gạo (190.600 tấn), thịt lợn (44.000 tấn), thịt gà (14.600 tấn), thịt bò (12 tấn), trứng gà vịt (256 triệu quả), rau, củ (254 tấn), bánh mứt kẹo (3.000 tấn), rượu bia, nước giải khát (200 triệu lít)…
Theo tính toán của Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hoá dự trữ tháng Tết năm nay tăng 10-15% so với các tháng trong năm, đạt khoảng 28,5 nghìn tỉ đồng. Sở cũng lên các phương án để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn kho sau Tết.
Tại TP.HCM, Sở Công Thương thành phố cũng cho biết, đã hoàn thành kế hoạch cung ứng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2019 với lượng hàng tăng 23% - 36% so với nhu cầu Tết Mậu Tuất 2018 và đạt giá trị hàng dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 18.424 tỉ đồng. Đáng chú ý, tổng trị giá hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812 tỉ đồng. Được biết, thành phố đã chuẩn bị tổng số 7.532 tỉ đồng hàng bình ổn cho cả dịp Tết này.
Tuyết Nhung