Hầu hết doanh nghiệp (DN) không tập trung vào phát triển năng lực công nghệ. Ngay cả những DN quy mô lớn, tỷ lệ đầu tư vào hoạt động KH-CN so với tổng doanh thu của DN không nhiều.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đang tiến đến thời điểm có tính chất quyết định về phát triển kinh tế với nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, và xa hơn là không vượt qua được “trần kính” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên nền tảng KH-CN.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cấp độ DN tại Việt Nam gần đây cho rằng hầu hết các DN không tập trung vào phát triển năng lực công nghệ, quá trình học hỏi công nghệ chậm và thụ động. Ngay cả những DN quy mô lớn, tỷ lệ đầu tư vào hoạt động KH-CN so với tổng doanh thu của DN không nhiều.
Trong một nghiên cứu chung của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Tổng cục Thống kê và nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), ít DN có hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ.
Kết quả từ các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các DN Việt Nam, thậm chí nhiều DN lớn không mặn mà với phát triển năng lực công nghệ tự thân (in-house R&D).
Ngoài ra, đa số DN dựa vào công nghệ nhập khẩu dưới hình thức máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ theo phương thức chìa khóa trao tay từ nước ngoài hoặc liên doanh với các đối tác nước ngoài.
PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng hệ thống chính sách của nhà nước vẫn ít được các DN biết đến và không có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy, rất ít DN biết được thông tin về sự tồn tại của các chính sách khuyến khích, ưu đãi của nhà nước đối với DN trong việc phát triển công nghệ, tiến hành nghiên cứu để thích nghi công nghệ cũng như tạo ra công nghệ mới. Ưu đãi có xu hướng tập trung nhiều vào KH-CN không theo yêu cầu của DN”, ông Thanh nói và cho biết khả năng tiếp cận của DN đến các ưu đãi của nhà nước khó khăn, với nhiều thủ tục hành chính.
Nhằm khuyến khích DN đổi mới công nghệ, quy định hằng năm DN trích một phần lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KH-CN. Nguồn kinh phí hình thành quỹ được quy định với tỷ lệ từ 3 - 10% đối với DN nhà nước và không quá 10% đối với DN ngoài nhà nước, được trừ vào thu nhập khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong thời hạn 5 năm, nếu quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì DN phải nộp lại vào ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp và phần lãi phát sinh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Được, Ủu viên Ban Chấp hành Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam cho rằng trong thời gian 5 năm nếu giải ngân thấp hơn 70% sẽ bị tính lãi là chưa phù hợp. Lý do là tỷ lệ trích lập quỹ chưa cao, mức thu nhập tuyệt đối của DN còn hạn chế, dẫn đến 10% trên tổng thu nhập được trích lập cũng sẽ không cao.
“Điều này được minh chứng qua tổng mức trích lập quỹ KH-CN tính đến năm 2020 của Hà Nội và TP.HCM mới đạt 9.000 tỉ đồng. Con số này khá thấp và chưa thể phát huy được hiệu quả của chính sách”, ông Được nói.
Theo đó, chuyên gia này đề nghị cần điều chỉnh tăng tỷ lệ trích lập quỹ KH-CN theo hướng DN ngoài nhà nước được phép trích từ 15 - 20% thu nhập tính thuế thu nhập DN vào quỹ KH-CN. Song song đó, cần cơ chế, thủ tục đơn giản hơn để vận hành quỹ hiệu quả.
TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cũng nêu rằng, đối với DN nhỏ và vừa, lợi nhuận trước thuế tại từng DN không nhiều. Các khoản chi liên quan đến KH-CN khi DN có nhu cầu đã được quyền tính thẳng vào chi phí được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập DN.
“Mức trích quỹ hằng năm cho dù chọn tỷ lệ tối đa 10%, nhưng vì là quy mô nhỏ nên trích quỹ KH-CN cho dù có tích lũy nhiều năm cũng không đủ để đầu tư bài bản cho đổi mới công nghệ”, ông Phụng nói.
Còn đối với DN lớn, nhất là các công ty không có vốn nhà nước, ông Phụng cho biết khó khăn lớn là thủ tục chi tiêu, sử dụng quỹ.
“Ngoài việc phải tính toán chi tiết theo số tiền trích lập hằng năm, rà soát dòng tiền, đối soát chứng từ chi tiêu từng khoản mục trong từng năm…, việc xác định số tiền lãi DN phải trả tính trên số thuế thu nhập DN bị truy nộp không hề đơn giản”, ông Phụng nói.
Ngoài ra, theo ông Phụng, số thuế thu nhập DN bị thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hết, sẽ được tính tiền lãi nộp ngân sách theo mức lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm, thời gian tính lãi là 2 năm. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước từ lâu đã không còn phát hành trái phiếu loại kỳ hạn 1 năm. Do vậy, DN phải mất nhiều thời gian xin hướng dẫn của các bộ liên quan.