Nhiều doanh nghiệp đang trong tâm thế vừa mừng vừa lo khi sản xuất các đơn hàng cuối năm.
Nguy cơ đứt chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu
Hiện các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai vẫn thực hiện các phương án duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất theo các biện pháp tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Tính đến ngày 22.11 vừa qua, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 1.685/1.705, với tổng số lao động đang làm việc là 540.609/614.873 người. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ngoài khu công nghiệp là 404 cơ sở với tổng số lao động đang làm việc là 73.555 người. Số dự án vẫn đang tạm ngưng hoạt động là 20, tổng số lao động chưa làm việc là 74.264 người.
Tại Đồng Tháp, các doanh nghiệp đang xây dựng các phương án phù hợp với khả năng, điều kiện để tổ chức tuyển dụng lao động và dần dần khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, gần đây tình hình ca nhiễm có dấu hiệu tăng trở lại làm ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Tỉnh đang có 400 doanh nghiệp hoạt động với 46.703/54.116 người lao động
Tỉnh Bình Dương có 4.197 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm, 3 xanh, 3 xanh.
Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp, khi chỉ số sản xuất có dấu hiệu phục hồi với mức tăng 6,9 trong tháng 10. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử... được dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu tăng khá trong năm 2021 khi các doanh nghiệp được quay lại sản xuất các đơn hàng quốc tế lớn cuối năm.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động vẫn còn hiện hữu với doanh nghiệp, nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Do vậy, các doanh nghiệp đề xuất các bộ ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo hướng trợ lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo
2021 là năm hoạt động sản xuất chật vật của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam dưới tác động của dịch COVID-19. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản vẫn chịu tác động từ dịch bệnh. Sau nghị quyết 128, các địa phương đã thích ứng với việc chống dịch linh hoạt và hiệu quả. Vì vậy, việc sản xuất thủy sản đã dần hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.
Theo VASEP, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực vừa chống dịch hiệu quả vừa gia tăng sản xuất cuối năm với các đơn hàng. Đây là lúc cao điểm nhất trong năm, các doanh nghiệp phải đảm bảo sản xuất để giao hàng đúng tiến độ cho mùa lễ hội như Noel, Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch,... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thủy sản như tôm, cá tra... đang lo ngại khi nhiều loại chi phí tăng cao. Nguyên nhân là do nguồn cung giảm khiến việc thu mua, vận chuyển gặp khó khăn, vì vậy mà nhiều loại chi phí đã đội lên.
Theo ghi nhận hiện nay, một số ngành có tỷ lệ sử dụng lao động cao như dệt may, da giày, gỗ... đang thiếu hụt lao động cuối năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho rằng không lo thiếu đơn hàng mà lo thiếu lao động.
Trao đổi với PV, đại diện một doanh nghiệp may ở khu vực phía Nam cho biết đang tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đợt vừa rồi dịch bệnh căng thẳng nên công nhân đã về quê nhiều. Giờ công ty đang thiếu hụt lao động trầm trọng, trong khi số đơn hàng cuối năm đang "nằm chờ" là hơn 700. Giờ dây chuyền sản xuất thiếu lao động nên sợ rằng các đơn hàng cuối năm khó hoàn thành theo tiến độ.
Ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp một số vấn đề khó khăn nổi cộm như: Thiếu hụt trầm trọng lao động, áp lực hoàn thành các đơn hàng cuối năm, lao động chưa được tiêm vắc xin, thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất ổn định cuối năm, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa, hỗ trợ về nguồn nhân lực, giao hàng, kho vận, tài xế cũng như hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng.
"Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, các cấp, các ngành cần phải chuẩn bị nguồn lực, có phương án ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp", ông Đông nhấn mạnh.