Màu đỏ, màu vàng của những nén nhang rực rỡ dưới nắng, mùi hương thoang thoảng là những điểm đặc trưng của làng nghề nhang Lê Minh Xuân. Dịp cuối năm, những sàn nhang phơi dọc khắp con đường Mai Bá Hương như một bức tranh rực rỡ tô điểm cho làng nghề truyền thống này.

Độc đáo nghề ‘đốt là thơm’ ở ngoại ô Sài Gòn

29/01/2020, 13:19

Màu đỏ, màu vàng của những nén nhang rực rỡ dưới nắng, mùi hương thoang thoảng là những điểm đặc trưng của làng nghề nhang Lê Minh Xuân. Dịp cuối năm, những sàn nhang phơi dọc khắp con đường Mai Bá Hương như một bức tranh rực rỡ tô điểm cho làng nghề truyền thống này.

Đi qua là nhớ mãi

Có mặt tại con đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) những ngày cuối năm, sắc hương vàng đỏ rực rỡ từ đầu làng ngõ xóm. Đây là thời điểm sôi động nhất trong năm ở làng nghề nhang nên chỉ cần chạy xe đến đầu đường đã cảm nhận được mùi thơm từ các hương liệu làm nhang.

Tiếng động cơ vo vo từ sáng đến tối báo hiệu một năm làm ăn phát đạt của người dân nơi đây. Nếu ai đã một lần đặt chân đến đây chắc chắn sẽ không thể nào quên hình ảnh những bó chân nhang vừa nhúng phẩm màu xếp hàng dài dưới nắng mai. Những cây nhang vừa hoàn thành được đặt ngay ngắn trên giá chờ làm khô như tạo nên một nét yên ả cho vùng quê ngoại ô Sài Gòn.

Theo người dân địa phương, làng nhang Lê Minh Xuân gần trăm năm tuổi. Tuy không ai nhớ chính xác thời gian nào làng nhang được thành lập nhưng nhiều năm nay, người dân nơi đây đã gắn bó và mưu sinh từ cây nhang. Nơi đây, trước kia là căn cứ Láng Le - Bàu Cò, khu vực giáp ranh Sài Gòn. Sau 1975 vùng này trở thành khu kinh tế mới với nông trường trồng mía và thơm (dứa). Khi ấy, dọc đường Mai Bá Hương cũng chỉ thưa thớt vài hộ dân sinh sống và một trong số ấy đã mang nghề nhang về dạy cho người dân nơi đây.

Khi mới được thành lập, làng nhang Lê Minh Xuân cũng chỉ có vài hộ dân theo nghề vì nghĩ nghề này vất vả, luôn tay luôn chân cả ngày. Mặt khác, việc thu nhập từ nghề nhang ngày xưa cũng không nhiều như bây giờ nên nhiều người không mặn mà.

Sau khi một số hộ dân phát triển nghề và nhận được nhiều đơn hàng lớn thì nhiều người mới bắt đầu tập trung vào làm nhang. Đến nay, nơi đây đã trở thành một vùng quê độc đáo với nghề làm nhang truyền thống mà không nơi đâu ở Sài Gòn có được.


Năm 2012, nơi đây được công nhận là làng nghề truyền thống với 3 tổ hợp tác se nhang, số lượng hơn 150 hộ. Ngoài ra, còn có nhiều hộ tự mở cơ sở, đầu tư máy móc để lưu giữ và phát triển nghề. Nhiều cơ sở làm nhang có quy mô hàng trăm công nhân và tạo nguồn thu nhập lên đến hơn 10 triệu đồng cho người lao động.

Những nét đặc trưng

Để tồn tại và phát triển, mỗi hộ dân làng nhang Lê Minh Xuân đều có những cách pha bột riêng của mình. Tùy vào từng loại bột và cách pha mà nhang sẽ có mùi thơm đặc trưng riêng biệt mà không nơi nào có được.

Tùy vào phương pháp tinh chế, nhào trộn của từng hộ gia đình mà người làm hương tạo nên các loại hương đặc hiệu riêng như hương trầm, hương quế... Điểm chung của các loại hương tại đây đều có mùi thơm dễ chịu, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe.

Để làm ra được những nén nhang vừa đẹp vừa thơm, người dân phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đầu tiên, người làm phải nhúng một đầu tăm vào nước pha màu đỏ. Sau đó, chân nhang được phơi dưới nắng gắt.

Nếu bị ẩm, chân nhang sẽ mốc và sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu. Bột để se nhang có nguồn gốc từ nhiều loại cây khác nhau được nghiền thật mịn. Tiếp đó, bột nhang sẽ trộn với một số hương liệu riêng biệt, bột keo để kết dính trong quá trình se nhang.

Trước đây, nhang được se hoàn toàn thủ công, người dân phải dùng một mặt gỗ bóng láng để bột lên rồi lăn nhang quanh thân tăm để bột dính vào. Sau này, người dân đã nhập các loại máy móc hiện đại để phục vụ việc ép nhang, máy phóng, máy lừa tăm.

Các công đoạn từ cho tăm vào máy, ép cây nhang thành phẩm đều được làm tự động. Người se nhang chỉ việc ngồi hoặc đứng tại chỗ chờ lấy nhang thành phẩm nên công suất sẽ nâng cao 3-4 lần so với trước đây. Tuy vậy, để làm được nghề này cũng cần phải thật kiên nhẫn và có sự tỉ mỉ để nhang có nét riêng.

Trong quá trình se nhang, nếu tăm quá to hoặc quá yếu khiến cây nhang bị vướng, người se phải khởi động lại máy lừa tăm để quá trình này được tiếp tục. Đây là khâu quan trọng nên trước khi se, nhiều người phải bỏ chúng bằng cách giữ một đầu tăm và giũ mạnh đầu còn lại trong không khí. Nếu bỏ qua công đoạn này, nhang được phóng ra sẽ không được đều và đẹp.

Đối với những tháng nắng nóng, nhang được phơi đầy khắp các con đường nơi đây. Tuy vậy, Sài Gòn "mưa nắng thất thường" nên cảnh "chạy nhang" mỗi khi mưa cũng là nét riêng biệt mà chỉ riêng nơi đây có được. Nhang chỉ cần ướt mưa sẽ không đẹp nên người dân chỉ cần nhìn thấy trời có dấu hiệu chuyển mưa là lao nhanh ra đường thu nhang vào nhà. Nhiều người sẵn sàng phụ giúp nhau khi đã dọn xong nhang của gia đình mình khiến tình cảm người dân nơi đây rất gần gũi.

Hiện nay, một số hộ kinh doanh đã sắm máy quạt công nghiệp, máy sấy và máy hút ẩm để nhang khô tại chỗ. Tuy vậy, nhang phơi nắng vẫn đẹp mắt và có mùi thơm riêng.

Làm giàu từ nhang

Cũng giống như những nghề truyền thống khác, nghề nhang hiện nay không còn thu hút được giới trẻ. Tuy vậy, những chủ hộ làm nhang thì vẫn có thể thu nhập được vài trăm triệu mỗi năm.

Nhờ đó, đời sống người dân nơi đây cũng ngày một thay đổi và khấm khá hơn. Những người không có công việc ổn định cũng bám vào nghề nhang mưu sinh và có thu nhập ổn định.

Chị Trương Hữu Thanh (SN 1960, quê Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết chị đã gắn bó với nghề nhang nhiều năm nay. Thu nhập bình quân mỗi ngày được khoảng 150.000 đồng, số tiền này đủ để chị nuôi gia đình và trang trải chi phí cuộc sống. Theo chị Thanh, cơ sở bán ra một thiên nhang áo giá 30.000 đồng, nhang quế giá 32.000 đồng, nhang tùng giá 34.000 đồng. Làm công việc này cũng vui nhưng cực nhọc .

Chị Nguyễn Thị Sương (40 tuổi, quê An Giang) thì luôn miệng nói: "Cả nhà tôi đều sống nhờ cây nhang. Mấy đứa nhỏ cũng cho đi làm nhang hết để tăng thu nhập. Mỗi tháng gia đình cũng dư giả được hơn chục triệu đồng. Tôi làm ở đây một thời gian nữa rồi về quê mở cơ sở riêng để làm. Mình kiếm đủ vốn mở riêng rồi, giờ về mở tại quê hương để tạo thêm thu nhập cho người dân quê mình. Nghề nhang cực nhọc nhưng nếu chăm chỉ thì cũng đủ ăn đủ mặc, tích góp dần rồi mình cũng dư giả như người ta".

Công việc làm nhang không quá nặng, nhưng đòi hỏi sự kiên trì, nên hầu hết các cơ sở làm nhang cha mẹ đều đưa con em mình lên phụ giúp. "Làm nhàn chứ không cực đâu anh, em cứ ngồi thế này từ sáng đến tối. Khi nào mệt thì nghỉ, lương tính theo sản phẩm nên làm càng nhiều thì càng nhiều tiền. Ở đây làm không phải 8 tiếng đâu, tùy mình, khi nào mình buồn ngủ thì đi ngủ, còn không thì làm riết vậy. Tính ra mỗi ngày em làm cũng được gần 200 ngàn, có ngày hơn", em Trương Thanh Thủy chia sẻ.

Hiện nay, làng nhang Lê Minh Xuân đã nhận được nhiều đơn hàng lớn từ khắp nơi nên công việc mỗi ngày một nhiều hơn tạo nên thu nhập lớn cho người dân. Những đơn hàng lớn từ Nhật Bản, Ấn Độ cũng ngày một nhiều nên các cơ sở đều phải thuê thêm nhiều công nhân, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Theo Phạm Nguyễn – Xuân Hinh/ Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo nghề ‘đốt là thơm’ ở ngoại ô Sài Gòn