Thời gian qua, đặc biệt là dịp cuối năm, thương lái người Trung Quốc bằng nhiều cách, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trung gian đẩy mạnh việc gom vét hàng nông sản của Việt Nam khắp các tỉnh, thành, vùng miền… rồi tập trung xuất qua biên giới phần lớn bằng đường tiểu ngạch.

Đòn hiểm cuối năm

20/12/2016, 12:02

Thời gian qua, đặc biệt là dịp cuối năm, thương lái người Trung Quốc bằng nhiều cách, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trung gian đẩy mạnh việc gom vét hàng nông sản của Việt Nam khắp các tỉnh, thành, vùng miền… rồi tập trung xuất qua biên giới phần lớn bằng đường tiểu ngạch.

Dưa đổ đống ven đường do thương lái không thu mua - Ảnh: Tư Huynh

Để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, và thuận lợi cho việc gom vét, thương lái người Trung Quốc dùng chiêu đẩy giá thu mua lên cao, nông dân ta hám lời gom sản phẩm ưu tiên bán cho thương lái Trung Quốc, từ chối bán cho doanh nghiệp trong nước dù đây là mối quan hệ làm ăn lâu dài, bảo đảm được đầu ra bền vững cho nông dân.

Do đó, có những mặt hàng như dừa khô nguyên trái, thương lái Trung Quốc vào tận nhà vườn thu gom, nâng giá lên cao hấp dẫn nhà vườn buông tay bán cho họ. Trong khi doanh nghiệp chế biến sản phẩm dừa khô trong nước xuất ra thị trường thế giới thiếu hụt nguyên liệu dừa khô nghiêm trọng nhưng vẫn không làm sao mua được khiến nhiều doanh nghiệp chế biến dừa phải hoạt động cầm chừng, hoặc ngưng hoạt động. Chính vì thế nên có thời điểm dừa khô trái đã tăng giá chóng mặt: 120 ngàn đến 150 ngàn một chục, để rồi chỉ trong một thời gian ngắn khi thương lái Trung Quốc buông, giá dừa khô trái lại rớt thê thảm khiến nhà vườn điêu đứng. Không chỉ riêng mặt hàng dừa khô, mà nhiều mặt hàng khác như mì lát, lúa, gạo, đường… cũng trong tình trạng bị thương lái lũng đoạn, khiến cho thị trường trong nước bị xáo trộn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của ta đứng trên bờ vực chông chênh.

Có giai đoạn cao điểm, thương lái Trung Quốc đẩy mạnh việc mua gom các mặt hàng thực phẩm: heo, gà, vịt, trứng… thậm chí mua cả vịt đẻ khiến các mặt hàng thiết yếu này tăng giá vùn vụt, các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm thiếu hụt nguồn cung cấp trứng. Điều đáng quan tâm là “chiêu” gom mua vịt đẻ của thương lái Trung Quốc đã lộ rõ âm mưu bịt nguồn cung cấp trứng cho thị trường nội địa, gây xáo trộn xã hội không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài bởi đàn vịt đẻ trên cả nước, đặc biệt ở ĐBSCL muốn gầy dựng lại để cho ra trứng thương phẩm không phải một sớm một chiều mà có. Tại sao thương lái Trung Quốc đẩy mạnh việc gom vét các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm của VN? Có thể thấy rõ về mặt “nổi” là thị trường Trung Quốc đang thực sự khan hiếm hàng.

Ở tầm vĩ mô kinh tế, sau giai đoạn phát triển kinh tế quá “nóng”, giờ đây Trung Quốc đang “chựng lại” và đang phải đối phó với tình trạng lạm phát, gia tăng ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Vấn đề này đang tác động nghiêm trọng đến xã hội Trung Quốc ở tầm vi mô nên thị trường lương thực, thực phẩm Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng, thiếu hụt nghiêm trọng. Nhưng phần “chìm” của tảng băng này lại có liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Tàu quân sự Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá bình thường đã xâm lấn lãnh hải của VN, đánh đuổi tàu cá của ngư dân VN đang hành nghề tại các ngư trường truyền thống thuộc vùng biển của VN. Đây không chỉ là vấn đề tranh chấp, xâm lấn biển mà còn nhằm mục đích triệt phá nguồn lợi thủy, hải sản của ngư dân VN cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài trong đó có nguồn lợi rất lớn là hải sâm, cá ngừ đại dương, mực tươi và cả mực khô…

Trong lúc đó ở trên bờ, Trung Quốc mở chiến dịch gom vét nguồn nông sản, gia súc, gia cầm kể cả các loại tôm nuôi ao công nghiệp như tôm sú, tôm thẻ bạc chân trắng. Thời gian qua thương lái Trung Quốc đã lặn lội vào tận ao nuôi tôm bán công nghiệp, công nghiệp của nông dân để tận thu nguồn tôm này, và đã đẩy giá thu mua tôm lên cao, chận đầu, hớt tay trên các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu của VN. Rồi sau đó cũng giống như dừa khô trái, thương lái Trung Quốc lại buông, khiến cho giá tôm rớt chạm đáy làm cho người nuôi tôm lỗ nặng.

Với những bài học cay đắng trong thời gian qua, thiết nghĩ bà con nông dân của ta cần phải tỉnh táo để thấy rằng, tuy được lợi nhất thời nhưng việc buôn bán với thương lái Trung Quốc là đầy rủi ro, bất thường thậm chí rất nguy hiểm. Bởi lẽ thương lái Trung Quốc chỉ là một nhóm nhỏ, lẻ, hoặc cá nhân mua bán chụp giật, xuất lậu để trốn thuế và đầy thủ đoạn để bất cứ lúc nào cũng có thể đứng trên thế chủ động để ép giá nông dân. Hoặc thậm chí khi nông dân tập trung gom hàng đưa ra cửa khẩu, phía thương lái Trung Quốc nếu không ép được giá thì… xù luôn, không mua giống như dưa hấu khiến người trồng dưa phải bán tháo bán đổ.

Đây là những bài học xương máu và kinh nghiệm thương trường của nông dân khi làm ăn với thương lái Trung Quốc. Trong quá khứ nông dân VN đã từng bị dính nhiều chiêu, nhiều đòn của thương nhân Trung Quốc thì trong giai đoạn cuối năm hoặc trong tương lai cũng thế, không có gì để tuyệt đối tin tưởng vào thương nhân Trung Quốc, nông dân ta làm ăn với họ luôn trong tình trạng bất thường mà một khi nguồn lợi về phía họ không cao hoặc không còn thì họ sẵn sàng vứt bỏ mối quan hệ không thương tiếc. Do đó bà con nông dân, các đầu mối, đại lý thu mua hãy hết sức cảnh giác để khỏi lâm vào cảnh dở khóc dở mếu khi dính phải đòn hiểm của thương lái Trung Quốc.

Từ Kế Tường

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đòn hiểm cuối năm