Sáng 23.3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ đại diện nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để trao đổi, tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, trong thời gian qua tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Người nông dân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá cả vật tư đầu vào tăng cao; xuất khẩu nông lâm, thủy sản, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu.
Trong năm 2023, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình suy giảm kinh tế thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
“Tại hội nghị này tôi rất mong muốn các đồng chí và đại diện của nông dân thẳng thắn tham gia đóng góp các ý kiến về khó khăn, tồn tại, kiến nghị trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đề xuất, định hướng cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”, Phó chủ tịch Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, sau thời gian 2 năm 2020-2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai có nhiều khởi sắc, phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 trên địa bàn tỉnh tăng 9,22% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, tăng cao hơn so với mức tăng năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,32%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 133,59 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 24.594 triệu USD, tăng 13,02% so với cùng kỳ.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh - xã hội với việc thực hiện hỗ trợ cho 1.301 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Giải quyết việc làm cho 78.009 lượt người, đạt 97,51% kế hoạch năm.
Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được định hướng và phát triển theo quy luật kinh tế hàng hóa, năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từng bước nâng chất lượng giá trị của sản phẩm. Năm 2022 có 18 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022 đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra.
Các hoạt động sản xuất, lưu thông, vận chuyển tiêu thụ hàng hóa nông sản cơ bản được khôi phục hoàn toàn. Thương mại điện tử được triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Kết luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn chia sẻ góp ý của bà con, nội dung trách nhiệm của các cơ quan sở ngành. Theo ông Phi, để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2023, toàn ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu tổng sản phẩm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao hơn so với năm 2022.
Ông Phi đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.