Khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco II) sau nhiều năm vẫn "đóng băng", chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu MCC của Trung Quốc.

Dự án thép nghìn tỉ chưa giải quyết được tranh chấp với tổng thầu từ Trung Quốc

20/05/2020, 17:15

Khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco II) sau nhiều năm vẫn "đóng băng", chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu MCC của Trung Quốc.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên nằm đắp chiếu nhiều năm - Ảnh TL

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên (Tisco II) có tổng mức đầu tư tăng cao từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng, khởi công từ tháng 9.2007 đến nay chưa xong. Dự án hiện đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng.

Đặc biệt, Hợp đồng EPC giữa Tisco và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được. Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) phải bảo lãnh đối với khoản vay của Tisco cho Dự án, tuy nhiên Ngân hàng Vietinbank từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với khoản vay này.

Đến hết năm 2019, theo báo cáo tài chính trước kiểm toán, vốn chủ sở hữu của công ty là 1.890 tỉ đồng, tổng tài sản là 9.097 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 7.133 tỉ đồng. Do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty ngày một giảm dần.

Hiện nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án, khởi tố, bắt tạm giam đối với 5 bị can. Quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan cảnh sát điều tra xác định số thiệt hại khoảng trên 850 tỉ đồng.

Hiện nay, phương án xử lý với dự án này vẫn là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu Tisco. Tại Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 8.4.2019 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam hoàn thiện phương án thoái vốn nhà nước tại Tisco theo hai trường hợp là trường hợp giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC và giải chấp được bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho Tisco tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và trường hợp không giải quyết được hai vướng mắc này.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tisco, đến nay việc giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu MCC của Trung Quốc vẫn không thực hiện được. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam lại từ chối giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho Tisco tại Ngân hàng này.

Trong giai đoạn tới, để thực hiện phương án thoái vốn của Vnsteel tại Tisco thì cần làm rõ 3 vấn đề gồm: Văn bản pháp lý áp dụng cho việc thoái vốn; Thẩm quyền quyết định việc thoái vốn; Việc xử lý đối với các mỏ sắt mà Tisco đang quản lý.

Tại Phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng ban Chỉ đạo đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện Tờ trình riêng đối với hai dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy thép Việt Trung, trong đó xem xét việc mời Công ty Mua bán nợ Việt Nam cùng tham gia phương án tái cơ cấu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phương án đang được dự thảo, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 6, Ban Chỉ đạo họp phiên thứ 10 tập trung vào việc xem xét đối với hai dự án này.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
42 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án thép nghìn tỉ chưa giải quyết được tranh chấp với tổng thầu từ Trung Quốc