Tổng cục Thuế yêu cầu các tổ chức tín dụng nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1.1.2011 đến nay.

Ngành thuế muốn truy thu thuế các ngân hàng từ năm 2011

19/05/2020, 17:42

Tổng cục Thuế yêu cầu các tổ chức tín dụng nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1.1.2011 đến nay.

Ngành thuế muốn các tổ chức tín dụng nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ thư tín dụng - Ảnh: Internet

Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng (L/C) thì thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1.1.2011 đến nay.

Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được sự phản đối từ phía Hiệp hội Ngân hàng. Hiệp hội này lý giải các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ và thông lệ quốc tế thì L/C trong đó ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh thanh toán, như đối với thư tín dụng nhập khẩu bao gồm cả thư tín dụng dự phòng. Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, phía Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các TCTD phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các cam kết này và tính vào giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn như các loại cấp tín dụng khác.

"Cho nên, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Ngoài ra, thuế GTGT là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế GTGT dịch vụ thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng.

Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế GTGT là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan. Bên cạnh đó, việc yêu cầu hồi tố sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…", Hiệp hội Ngân hàng nêu rõ.

Vì vậy, cơ quan này cho rằng việc áp dụng thu thuế GTGT không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn; ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Do vậy, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế địa phương không áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ phát hành L/C và các khoản phí có liên quan đến quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo đúng tinh thần của Luật Các TCTD năm 2010, Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Không yêu cầu “hồi tố”, bắt các tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với khoản thu từ nghiệp vụ L/C phát sinh từ năm 2011 đến nay.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản
9 giờ trước Sự kiện
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7.12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành thuế muốn truy thu thuế các ngân hàng từ năm 2011