Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng, nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định dù vào thời điểm này, xu hướng đó gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế của mình.
Trao đổi với báo chí ngày 19.5 về tác động của Hiệp định EVFTA trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương) cho rằng khác với nền kinh tế lớn như Mỹ có Mexico là thị trường truyền thống cung ứng, EU không có một nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng mới.
Vì vậy, EU đã lựa chọn một số thị trường khác nhau để kết nối dưới hình thức Hiệp định thương mại tự do (FTA). Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam ở vị thế rất tốt để là một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới thông qua xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối hai bên.
Theo ông Thái, diễn biến của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Vào thời điểm này, kể cả xu hướng đó gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế của mình. Lý giải thêm về điều này, ông cho hay, kể cả trước đây, khi đại dịch chưa xảy ra thì các nước cũng đã đặt vấn đề là nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng để tận dụng được nội lực thì yếu tố quan trọng là phải tận dụng được cơ hội ngoại lực đem lại.
"Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, không nền kinh tế nào có thể đứng độc lập. Điều này thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại chứ không thể chấm dứt hoàn toàn việc các nước phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng. Nói cách khác, sự phụ thuộc lẫn nhau là xu thế không thể đảo ngược. Rõ ràng chuỗi cung ứng có thể thay đổi nhưng đối tác nào có thể đi đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng có tính đảm bảo, tin cậy lẫn nhau thì chuỗi cung ứng đó sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường", ông Thái khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa Biên cho rằng Việt Nam đủ sức cạnh tranh để cung cấp hàng hóa cho các đối tác thương mại. Những đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... sẽ chọn nhiều nhà cung cấp khác, nhưng Việt Nam đứng ở vị thế rất tốt. Cụ thể, Việt Nam đã cải cách kinh tế và những chỉ số gần đây như năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng của nhiều mặt hàng đều được cải thiện. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các mặt hàng như trang thiết bị y tế mà rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu thì Việt Nam thể hiện là một đối tác tin cậy trong tất cả mối quan hệ quốc tế đó.
"Thời gian tới, chúng ta không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn. Hiệp định kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch COVID-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn", ông Thái nhận định.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản... Theo các nghiên cứu, tác động của hiệp định tương đối thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam nếu như khai thông được thị trường EU.
Đặc biệt, trong một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh đến khía cạnh về xóa đói giảm nghèo cũng như khả năng các hộ gia đình vươn lên đạt mức tầng lớp trung lưu. Theo nghiên cứu này, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới, thì có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.
Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết ngày mai (20.5), Quốc hội sẽ chính thức tiến tới phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Việc quyết định phê chuẩn Hiệp định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo quy trình của Quốc hội, sẽ có bước là ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn.
Tiếp theo, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao. Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5.2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng.
Tuyết Nhung