UBND TP.HCM đã ban hành quyết định mới để điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở tại một số khu vực trên địa bàn thành phố và quy định mới về hệ số K. Tuy nhiên, dù đã điều chỉnh, giá đất tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.
TP.HCM ban hành quy định mới về hệ số K điều chỉnh giá đất
Ngày 9.8, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP vừa ban hành quy định mới về hệ số K điều chỉnh giá đất so với bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất khi bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, phố trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, phố, là nhà ở một tầng hoặc nhiều tầng có một hộ gia đình hoặc một cá nhân sử dụng có vị trí mặt tiền đường; khi bán nhà, diện tích đất ở của căn nhà sẽ được tính toán và công nhận là đất ở sử dụng riêng (không có phần diện tích sử dụng chung hoặc chồng lấn).
Trường hợp nhà ở một tầng hoặc nhiều tầng có nhiều hộ gia đình hoặc nhiều cá nhân sử dụng để ở, có vị trí mặt tiền đường, đã được ngăn chia riêng biệt thì khi bán nhà, phần diện tích đất mặt tiền đường sẽ được tính toán và công nhận là đất ở sử dụng riêng. Còn phần diện tích nhà, đất do hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng được xem là nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, phố.
Trong khi đó, đối với nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, phố, nằm trên thửa đất có một cạnh hoặc tổng các cạnh tiếp giáp mặt tiền đường lớn hơn hoặc bằng 3m thì áp dụng hệ số K điều chỉnh giá đất là 1,2lần giá đất do UBND TP quy định và công bố.
Đối với nhà ở riêng lẻ có khả năng sinh lợi cao tại vị trí mặt đường, phố, nằm trên thửa đất có một cạnh hoặc tổng các cạnh tiếp giáp mặt tiền đường nhỏ hơn 3m thì áp dụng hệ số K điều chỉnh giá đất là 1lần giá đất do UBND TP quy định và công bố.
Bảng giá đất chỉ bằng 1/10 giá thị trường
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định 30/2017/QĐ-UBND để điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất ở tại một số khu vực trên địa bàn thành phố. Theo quyết định này, giá đất tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Cụ thể, tại một số con đường trung tâm quận Phú Nhuận như Hồng Hà, Nguyễn Công Hoan, mức giá theo quyết định trên chỉ dao động từ 13,8 - 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức giá thị trường tại khu vực này đang khoảng 150-200 triệu/m2.
Hay tại đường Nguyễn Thị Định (quận 2) chỉ được định giá từ 7,5 - 9,8 triệu đồng/m2; đường Song Hành đoạn từ Trần Não đến Mai Chí Thọ giá 15 triệu đồng/m2. Trên thực tế, hai con đường này có giá thị trường không dưới 70 triệu đồng/m2.
Tại quận 9, dù giá đất thời gian vừa qua liên tục tăng cao, thế nhưng mức giá công bố lại thấp đến ngỡ ngàng. Tại đường Võ Chí Công đoạn từ cầu Bà Cua - cầu Phú Hữu, giá đất chỉ 4,2 triệu đồng/m2.
"Điều này cho thấy sự bất cập của cơ chế khung giá đất. Bảng giá đất cần phải được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.
Theo ông Châu, trên thực tế, bảng giá đất của TP.HCM ban hành theo khung giá đất của Chính phủ quy định ngay tại thời điểm năm 2015 cũng chỉ bằng khoảng 30% giá đất thị trường. Nguyên nhân có sự chênh lệch trên là do hiện nay, khung giá đất do Chính phủ ban hành có hiệu lực 5 năm. Bảng giá đất do địa phương ban hành không được vượt quá mức tối đa so với mức tối đa của khung này 30% và không được thấp hơn mức tối thiểu.
Quy định này đã không tạo được điều kiện để TP.HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành bảng giá đất theo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, kể cả sau khi đã áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm.
“Việc định giá đất thấp hơn thực tế là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, tăng khiếu kiện của dân về giá đất. Giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều lần so với thực tế cũng làm Nhà nước thất thu một lượng lớn tiền thuế”, ông Châu nói.
Vì vậy, để đưa giá đất về đúng giá trị thực, ông Châu cho rằng cần bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần. Đồng thời, giao toàn quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để đảm bảo thực hiện nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Phan Diệu