Thu từ thuế bảo vệ môi trường năm 2019 được Bộ Tài chính dự tính chiếm 4,9% tổng thu, tức là khoảng hơn 69.000 tỉ đồng. Con số này tăng đáng kể so với con số trong dự toán năm nay (khoảng hơn 49.000 tỉ đồng).

Dự toán ngân sách tăng thu lớn từ thuế bảo vệ môi trường năm 2019

15/11/2018, 16:15

Thu từ thuế bảo vệ môi trường năm 2019 được Bộ Tài chính dự tính chiếm 4,9% tổng thu, tức là khoảng hơn 69.000 tỉ đồng. Con số này tăng đáng kể so với con số trong dự toán năm nay (khoảng hơn 49.000 tỉ đồng).

Thu ngân sách năm 2019 từ các khoản thuế phí chiếm 20% GDP - Ảnh: Internet

Bộ Tài chính mới đây đã công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 trình Quốc hội”. Báo cáo cung cấp cho người dân những thông tin, số liệu cơ bản nhất về các căn cứ vĩ mô cơ bản xây dựng dự toán, mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2019, cũng như dự toán thu chi ngân sách, cân đối ngân sách, cơ cấu các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Ngoài ra, báo cáo còn cung cấp thêm các thông tin về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021 và giải pháp triển khai thực hiện.

Theo Báo cáo, dự toán thu ngân sách năm 2019 là hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tương đương 23% GDP. Trong số trên, thu nội địa chiếm 83,2% với khoảng 1,173 triệu tỉ đồng. Còn lại, hai khoản thu lớn khác, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu, lần lượt là 44.600 tỉ đồng và 189.200 tỉ đồng. Còn thu từ thuế phí chiếm khoảng 20% GDP.

Dự toán thu ngân sách từ các khoản thuế phí năm 2019

Cụ thể, thu từ thuế bảo vệ môi trường năm sau dự tính chiếm 4,9% tổng thu, tức là khoảng hơn 69.000 tỉ đồng. Con số này tăng đáng kể so với con số trong dự toán năm nay (khoảng hơn 49.000 tỉ đồng).

Thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm 8% trong tổng thu ngân sách, tương ứng khoảng 112.880 tỉ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,3% (khoảng 117.113 tỉ đồng); thuế tài nguyên chiếm 2,4% (khoảng 33.864 tỉ đồng); thuế xuất nhập khẩu chiếm 4,6% (khoảng 64.906 tỉ đồng); thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 19,6% (khoảng 276.556 tỉ đồng); thuế giá trị gia tăng chiếm 26,4% (khoảng 372.504 tỉ đồng).

Trong khi đó, thu từ việc bán tài sản bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thoái vốn chiếm 9,9% (tương ứng với khoảng 139.689 tỉ đồng); khoản thu từ các loại thuế, phí khác chiếm 15,8% (tương ứng khoảng 222.938 tỉ đồng).

Về dự toán chi, theo báo cáo là khoảng trên 1,633 triệu tỉ đồng, trong đó chi thường xuyên là 63,8% tổng thu, còn lại là chi đầu tư (26,3%), chi trả nợ lãi và viện trợ (7,7%) và dự phòng (2,1%). Bội chi ngân sách dự kiến năm sau là 222.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP, thấp hơn mức dự kiến năm nay (tỷ lệ bội chi dự kiến năm nay là 3,67% GDP).

Nhận xét về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước của thuế phí tại Việt Nam, TS. Vũ Sỹ Cường đặt câu hỏi là gánh nặng về thuế, phí của Việt Nam hiện nay nhiều hay ít?

Ông Cường cho biết tại Thuỵ Điển, tỷ trọng thuế, phí chiếm tới 35-40% GDP, còn Việt Nam tỷ lệ huy động vào ngân sách qua các năm từ 23-24%, trong đó từ thuế phí dao động trong ngưỡng 18-20%, chưa đạt chiến lược thu từ ngành thuế. Mặt khác, theo ông trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây, số thu từ thuế, phí có xu hướng giảm, trong khi chiến lược của ngành thuế là tăng lên. Thực tế số thu từ thuế và lệ phí trong GDP năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19%, năm 2019 giảm xuống 18,7%.

"Thuế phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt. Điều này mang lại rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. Hiện, ngân sách lại được bù đắp bằng những nguồn thu không bền vững như đất đai, tài nguyên, bán tài sản doanh nghiệp..., trong khi chúng ta liên tục trì hoãn xây dựng các loại thuế", TS Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam đang hội nhập, tham gia các hiệp đinh tự do thương mại (FTA) rất sâu rộng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu thuế nhập khẩu đang giảm mạnh. Hiện tại, nguồn thu lại dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (khoảng 72%), trong khi giá trị gia tăng thu về lại rất hạn chế. Có thể sản lượng xuất khẩu cao làm tăng GDP nhưng chưa chắc ngân sách đã tăng được tương ứng. Trong khi đó, thu từ dầu thô lại không bền vững, sản lượng dầu thô đang có xu hướng giảm do tìm mỏ mới rất khó khăn nên vẫn phải khai thác các mỏ cũ.

Do đó, tình hình thu ngân sách từ nguồn này cũng đang có biến động, cần phải thích nghi. Ông Doanh đề xuất thêm cần xem xét lại khoản thu thuế từ các hộ kinh tế gia đình, vì khoản thu này hiện chưa bình đẳng, tương xứng, trong khi đó tỷ lệ chiếm khá lớn trong GDP. Bên cạnh những biện pháp tăng thu, cần phải giảm chi để không tạo áp lực quá lớn đến ngân sách, trong đó phải giảm chi thường xuyên.

Đánh giá về Dự thảo Báo cáo về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, giới chuyên gia nhận định ưu điểm của Báo cáo năm nay là đề cập tương đối chi tiết hơn về nguồn thu để các chuyên gia, tổ chức, cá nhân có thể nắm bắt và thảo luận. Tuy nhiên, dự thảo về chi đầu tư cần đưa chi tiết theo từng lĩnh vực giống như chi thường xuyên.

Bộ Tài chính cho biết việc công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm cũng được coi là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam.

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) khẳng định, quy định của Luật Ngân sách nhà nước không yêu cầu phải xây dựng báo cáo này, tuy nhiên với nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc công khai minh bạch ngân sách theo chuẩn mực quốc tế thì Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân từ năm ngân sách 2015.

"Chúng tôi đã thực hiện việc công bố này được 5 năm và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đồng thời khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân. Đây là thông lệ tốt để người dân tại các địa phương có thể thông qua đó nắm được thông tin cơ bản về ngân sách của từng địa phương, và cũng có thể đóng góp tiếng nói thông qua Hội đồng nhân dân khi quyết định ngân sách địa phương mình", ông Hưng nói thêm.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự toán ngân sách tăng thu lớn từ thuế bảo vệ môi trường năm 2019