Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 21.7 lên tiếng Đức đừng mong Thổ Nhĩ Kỳ sợ bằng những dọa nạt, khi chuyện cãi cọ giữa hai nước ngày càng căng thẳng.
Trong một diễn văn ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói: “Họ nên biết điều này, là họ không thể khiến chúng ta sợ bằng những đe dọa. Đức không có quyền bôi nhọ Thổ Nhĩ Kỳ... và không có quyền làm chúng ta sợ”.
Vài tháng qua, quan hệ giữa hai nước thành viên NATO Đức - Thổ Nhĩ kỳ bị xói mòn, từ chuyện chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt nhiều người gồm 6 công dân Đức hoạt động nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm 6 người này bị nhốt trên một hòn đảo thuộc thành phố Istanbul.
Bộ Ngoại giao Đức đã cảnh báo du khách và nhà đầu tư Đức nên tránh đến Thổ Nhĩ Kỳ, vì không thể bảo đảm an toàn cho công dân Đức tại nước này.
Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nói Đức “quá vô trách nhiệm chính trị” khi ra lời cảnh báo người Đức chớ qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan mô tả cảnh báo của Đức là “thất thiệt và hiểm ác”, và ông phủ nhận thông tin Thổ Nhĩ Kỳ điều tra các công ty Đức bị nghi “chống lưng khủng bố”. Ông gọi đây là “trò xuyên tạc đen tối” và Đức không có quyền bôi đen Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng với việc Đức chỉ trích tình trạng nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan tuyên bố ngành tòa án nước ông “độc lập” hơn ngành tòa án Đức.
Ông cũng nói Đức dung dưỡng khủng bố ẩn náu tại Đức. Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục cáo buộc Đức nuôi những tay súng người Kurd và các nghi phạm bị truy nã sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15.7.2016.
Tổng thống Erdogan đòi Đức dẫn độ những người âm mưu lật đổ ông, là những tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen (sống ở Mỹ). Ông Erdogan tố cáo ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính, nhưng vị giáo sĩ phủ nhận.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cáo buộc Đức che giấu các “tổ chức khủng bố” đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và FETO, tổ chức tôn giáo của giáo sĩ Gulen.
Đức đã cấp quyền tị nạn cho một số nhà bất đồng chính quyền, nhà báo và sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ sợ bị bắt sau vụ đảo chính.
Tổng thống Erdogan nói vụ bắt giữ 50.000 người và 150.000 quan chức, nhà báo, học giả bị đuổi việc hoặc bị ngưng công tác là cần thiết.
Các chính khách và giới truyền thông Đức cáo buộc ông Erdogan bắt công dân Đức làm “con tin” để đổi lấy những người Thổ ở Đức, nhưng Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói ông “chưa nghe lời đề nghị trao đổi chính thức nào”.
Ngoại trưởng Đức đã phải bỏ dở kỳ nghỉ hè, trở về Berlin và triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để trách Ankara bắt người Đức.
Ông nói Đức sẽ xem xét lại việc bảo đảm an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông kêu gọi các doanh nghiệp ngưng đổ tiền vào nước này, và sẽ xét lại việc hỗ trợ hàng tỉ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang muốn gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU).
Vị Ngoại trưởng cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây nghiêm trọng cho cuộc khủng hoảng, trong khi Đức đã ráng hạ nhiệt thông qua đối thoại.
Ông Gabriel cũng chỉ trích Tổng thống Erdogan “bịt miệng những nhà chỉ trích” bằng những vụ bắt giam nhiều người trong suốt năm qua.
Ông tuyên bố Đức vẫn muốn tái lập quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước hết, chính phủ Erdogan phải “quay trở lại với những giá trị châu Âu”.
Báo Bild dẫn nguồn tin từ chính phủ Đức, cho biết Đức cũng quyết tạm ngưng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bích Ngọc (theo Al Jazeera)