Sau khi hứng chịu thất bại một cách đầy cay đắng trong việc thuyết phục Quốc hội bãi bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare của người tiền nhiệm, mọi sự chú ý giờ đây sẽ đổ dồn về kế hoạch tiếp theo của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump: đề xuất cắt giảm thuế.

Dùng thuế làm khiên, ông Donald Trump dễ nhận mũi giáo

Nhàn Đàm | 31/03/2017, 09:14

Sau khi hứng chịu thất bại một cách đầy cay đắng trong việc thuyết phục Quốc hội bãi bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare của người tiền nhiệm, mọi sự chú ý giờ đây sẽ đổ dồn về kế hoạch tiếp theo của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump: đề xuất cắt giảm thuế.

So với Obamacare, chương trình cắt giảm thuế quan trọng hơn rất nhiều khi nó được xem là nền tảng quan trọng nhất cho chính sách kinh tế của ông Trump. Kinh tế Mỹ sẽ không thể tăng trưởng nhanh như Donald Trump từng cam kết nếu đề xuất cắt giảm thuế này không được thực hiện. Dù có được một lợi thế rất lớn trong vấn đề này, đó là sự ủng hộ của cả 2 đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, nhưng không có nghĩa là đề xuất này có thể dễ dàng được Quốc hội Mỹ thông qua khi dường như nó đang ngày càng trở nên phức tạp và rắc rối hơn: Mỹ hoàn toàn có thể bị kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một trở ngại nghiêm trọng đang cản đường Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa trong việc đưa ra đề xuất cho chương trình cắt giảm thuế quy mô nhất từ trước đến nay: chương trình này sẽ rất dễ rơi vào nguy cơ vi phạm các quy định về thương mại quốc tế. Theo đó, nếu chương trình cắt giảm thuế này có bất cứ một sự tương đồng nào với một động thái tạo ra lợi thế cạnh tranh và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, Mỹ có thể sẽ bị kiện ra WTO, bởi Trung Quốc và châu Âu đã có hành vi hỗ trợ cạnh tranh không lành mạnh – một vụ kiện mà khả năng thất bại của Mỹ là tương đối cao.

Việc phải đối mặt với một vụ kiện tụng tại WTO có vẻ như là điều mà tổng thống Trump và các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa chưa từng nghĩ tới, dù những hệ quả và mặt trái của đề xuất cắt giảm thuế đã được nhắc tới từ lâu. Theo đó, nếu Mỹ thực hiện chương trình cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm khoảng gần một nửa so với mức hiện nay) thì nhiều khả năng Mỹ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại từ một số quốc gia khác, do việc giảm thuế đồng nghĩa với đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho hàng xuất khẩu của nước này.

Kế hoạch thuế của đảng Cộng Hòa đã được công bố vào tháng 6.2016, mục đích chính và quan trọng nhất là tạo ra lợi thế xuất khẩu cho hàng hóa của Mỹ và tăng gánh nặng lên hàng hóa nhập khẩu: theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ sẽ giảm từ 35% hiện nay xuống còn 15-20%, để bù đắp khoản hụt thu này cho ngân sách quốc gia đảng Cộng Hòa đề xuất đánh thuế tăng thêm 20% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Điều này đem lại lợi thế kép cho các doanh nghiệp Mỹ: hàng hóa xuất khẩu của họ trên thế giới sẽ rẻ hơn, trong khi hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu vào Mỹ sẽ đắt hơn.

Tuy nhiên, điều này đang đồng nghĩa với một khó khăn lớn về mặt pháp lý: các đề xuất về thuế này đang mâu thuẫn với các hiệp ước mà Mỹ đã ký kết, cụ thể là các quy định của luật thương mại quốc tế: cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng hóa xuất khẩu và hàng nhập khẩu. Ngoài các quy định khá thiên lệch về mức thuế giữa các công ty Mỹ và công ty nước ngoài, thì các công ty Mỹ còn có thể tiếp tục khấu trừ chi phí nhân công của nhân viên khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của họ, nhưng khi tính thuế 20% đánh vào hàng nhập khẩu thì sẽ không có sự điều chỉnh đối với chi phí lao động của các công ty nước ngoài.

Đảng Cộng Hòa ngay lập tức đưa ra những lời bào chữa: đúng là theo luật thương mại quốc tế Mỹ không có quyền tăng mức áp thuế đối với hàng nhập khẩu, vì đi ngược lại nguyên tắc về không phân biệt đối xử giữa hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, kế hoạch thuế của đảng Cộng Hòa sẽ không tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu như nhiều người vẫn nghĩ, mà sẽ tập trung đánh thuế tiêu thụ đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường Mỹ.

Các chuyên gia về thuế cho biết đây có thể xem là một dạng thuế “đích đến” (destination tax), trong đó thay vì đánh thuế hàng hóa nhập khẩu dựa theo xuất xứ chúng sẽ được đánh thuế tại điểm đến cuối cùng. Một dạng quen thuộc nhất của hình thức thuế này là thuế giá trị gia tăng (VAT). Ở thời điểm hiện tại, hầu hết mọi quốc gia trên thế giới vẫn đang duy trì một số loại thuế VAT nhất định, Mỹ là một ngoại lệ. Đó hiện vẫn được xem là một loại thuế hợp pháp.

Nói cách khác, kế hoạch thuế của Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng Hòa có vẻ bề ngoài giống như một động thái đánh thuế giá trị gia tăng, trong đó cho phép các công ty Mỹ được miễn thuế cho hàng hóa xuất khẩu của mình. Đó là yếu tố đóng vai trò nền tảng của kế hoạch khuyến khích xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại thông qua tăng mức áp thuế với hàng nhập khẩu của chính quyền Tổng thống Donald Trump về lâu dài.

Tuy nhiên, bất chấp sự biện minh rằng các biện pháp nhằm tăng thuế giá trị gia tăng không vi phạm các quy định quốc tế về thương mại, thì gần như chắc chắn đề xuất của đảng Cộng Hòa sẽ bị phản đối bởi các quốc gia khác trên thế giới, thậm chí có thể kiện Mỹ ra WTO. Kể cả trong trường hợp tốt nhất, theo đó Mỹ thoát khỏi việc bị xử thua tại WTO, thì đề xuất thuế này cũng sẽ vấp phải các phản ứng trả đũa tương tự từ các nền kinh tế đối tác hàng đầu của Mỹ hiện nay như Trung Quốc, châu Âu hay Nhật Bản, thậm chí nó có thể trở thành phản ứng khởi động của một chuỗi domino – châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu.

Chắc chắn rằng, Quốc hội Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ những mặt bất lợi trong đề xuất thuế của Tổng thống Trump và đảng Cộng Hòa trước khi quyết định có thông qua nó hay không. Nếu như có thể chứng minh được rằng đề xuất thuế này vi phạm các cam kết thương mại quốc tế mà Mỹ đã ký kết, khả năng bị Quốc hội không thông qua là rất lớn; và như thất bại trong sự việc liên quan đến chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare đã chỉ ra, thì Quốc hội Mỹ đang có xu hướng cân nhắc một cách thận trọng các đề xuất chính sách của Tổng thống Trump hơn bao giờ hết.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng thuế làm khiên, ông Donald Trump dễ nhận mũi giáo