Đúng 12 giờ ngày 20.1 theo giờ Washington D.C, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ và chính thức trở thành tổng thống thứ 45 trong lịch sử chính trị Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những kế hoạch đồ sộ và đầy tham vọng để vực dậy nước Mỹ của ông Trump sẽ chính thức được thực hiện.
Kinh tế là một trong những vấn đề được quan tâm nhất, khi sự hiệu quả của chính sách điều hành nền kinh tế Mỹ được Tổng thống Trump đề xuất trong giai đoạn tranh cử vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Điểm cơ bản trong chính sách kinh tế của ông Donald Trump (vẫn được gọi với cái tên Trumponomics) là tìm cách thúc đẩy tăng trưởng bằng những cách thức cổ điển như giảm thuế, nới lỏng chính sách và tăng đầu tư công. Nhưng, như nhiều nhà kinh tế Mỹ(có cả Cục Dự trữ liên bang – Fed) đang lưu ý vị tân tổng thống, với tình trạng của nền kinh tế Mỹ hiện nay thì việc thực hiện các biện pháp này có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng. Trumponomics có thể hoàn toàn không phải là liều thuốc tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ, mà thậm chí còn trở thành một liều thuốc độc.
Lập luận của các nhà kinh tế và Fedlàcác biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của ông Trump có thể hiệu quả trong trường hợp sự trì trệ kéo dài; nhưng với một nền kinh tế đã tăng trưởng khá trong 8 năm qua, trong đó mức lương tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức khó có thể thấp hơn được nữa như Mỹ hiện nay, thì việc ồ ạt đưa ra các gói kích thích tăng trưởng có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Nếu tăng trưởng tín dụng vào các khu vực kinh tế đang ổn định cao hơn mức cần thiết có thể thúc đẩy lạm phát, buộc Fedphải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến và dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế có thể quay trở lại. Chủ tịch FedJanet Yellen và các đồng sự khuyến nghị rằng, điều mà tổng thống Trump cần làm hiện tại là tập trung đầu tư vào những khu vực có mức tăng trưởng thấp hơn mức bình quân chung, như các vùng nông thôn và các trung tâm công nghiệp ở miền Trung nước Mỹ vốn là những nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump, kết nối các khu vực này vào nền kinh tế của nước Mỹ.
Phát biểu về chính sách kinh tế dưới thời tân tổng thống, nhà kinh tế trưởng Jed Kolko của webstie việc làm khá nổi tiếng indeed.com, cho biết: “Những gì mà ông Trump được kế thừa khi nhậm chức là một nền kinh tế ổn định, trong đó các hậu quả từ cuộc khủng hoảng đã được giải quyết gần hết. Nhiệm vụ của ông Trump hiện nay là đưa nó vận hành hiệu quả hơn, và đây là một nhiệm vụ có tính thách thức cao hơn nhiều”. Quả thực, các mục tiêu kinh tế mà ông Trump đặt ra trong giai đoạn tranh cử là hết sức tham vọng: tăng trưởng GDP hằng năm từ 3,5-4% (trong khi bình quân tăng trưởng thời Tổng thống Obama chỉ là 1,8-2%/năm), và tạo thêm hàng triệu việc làm mới (dù đã có khoảng 11,2 triệu việc làm được tạo ra trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama).
Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ những lập luận từ phía Fed. Trước hết là tỷ lệ thất nghiệp, ông Trump cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế phải cao hơn nhiều mức Fedcông bố hiện nay là 4,7% - mức thấp nhất kể từ tháng 8.2007. Một số nhà kinh tế đồng ý với quan điểm này dựa trên những con số thống kê: hiện chỉ có khoảng 88% trong số 61 triệu nam giới độ tuổi từ 25-54 thuộc diện có việc làm hoặc đang tìm việc làm, thấp hơn khoảng 6% so với con số 94% vào năm 1978. Điều này có nghĩa là hiện có khoảng hơn 2 triệu lao động chưa tìm được việc làm nhưng lại không nằm trong danh sách tính tỷ lệ thất nghiệp của Fed. Tỷ lệ lao động có việc làm tại một số bang ở Mỹ đã sụt giảm khá mạnh, chẳng hạn như mức giảm 12% ở Kentucky.
Nếu ông Trump đúng về tỷ lệ thất nghiệp, thì vẫn còn không gian cho các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của Trumponomics như giảm thuế, nới lỏng chính sách và tăng đầu tư công mà không cần e ngại về nguy cơ suy thoái và khủng hoảng mà Fedcảnh báo. Nhưng nếu Fedđưa ra tỷ lệ thất nghiệp chính xác, thì Trumponomics sẽ có thể trở thành một liều thuốc độc thực sự với nền kinh tế Mỹ, thậm chí có thể đưa nền kinh tế số 1thế giới quay trở lại tình trạng khủng hoảng mà phải mất tới 8 năm ông Obama mới vực dậy được.
Có thể thấy, chương trình Trumponomics của ông Donald Trump có sự tương đồng đáng kể với các chính sách kinh tế được Tổng thống Ronald Reagan - người mà ông Trump rất ngưỡng mộ - khởi xướng khi nhậm chức vào năm 1981. Kết quả mà ông Reagan đạt được thời điểm đó là rất khả quan, nền kinh tế tăng trưởng cao và tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức dưới 5% trong suốt gần một thập niên. Nhưng hậu quả của chính sách này là cuộc khủng hoảng tài chính-chứng khoán vào năm 1987 - thời điểm cuối nhiệm kỳ của Reagan, gây ra tình trạng suy thoái trong nền kinh tế Mỹ cho đến giữa những năm 1990. Fedcó lẽ sẽ không quên bài học này nhất là khi tân Tổng thống Donald Trump cũng đang có ý định lặp lại chính sách tương tự như ông Reagan cách đây gần 30 năm.
Nhàn Đàm (theo Reuters)