Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục có mức tăng trưởng ảm đạm và gây sức ép lên chính sách kinh tế của cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump, thì có vẻ như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc xác định ai sẽ là chủ nhân chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ.

FED sẽ quyết định ai là tổng thống Mỹ tiếp theo?

Nhàn Đàm | 26/08/2016, 07:04

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục có mức tăng trưởng ảm đạm và gây sức ép lên chính sách kinh tế của cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump, thì có vẻ như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc xác định ai sẽ là chủ nhân chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ 2016 dường như đang nghiêng về phía ứng cử viên đảng Dân Chủ là Hillary Clinton, khi kết quả các khảo sát đang cho thấy tỷ lệ ủng hộ vị cựu ngoại trưởng đang ngày càng bỏ xa so với đối thủ trực tiếp của đảng Cộng Hòa là Donald Trump.

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, sự ủng hộ với bà Hillary tăng vọt không phải là kết quả đến từ sự vượt trội về chính sách đối ngoại hay kinh tế, mà chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ tỏ ra ác cảm với những phát ngôn gây sốc của ông Trump.

Điều này có nghĩa là, hiệu quả các chính sách quan trọng như đối ngoại hay kinh tế, vốn là yếu tố hàng đầu trong việc quyết định chiến thắng, của cả hai ứng cử viên vẫn đang ở thế cân bằng. Và tùy thuộc vào việc chính sách nào tỏ ra hiệu quả hơn trong khoảng thời gian còn lại của cuộc tranh cử, thì ứng cử viên đó sẽ giành chiến thắng. Và ở thời điểm hiện tại, có vẻ như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc xác định ai sẽ là chủ nhân chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ.

Trong số các yếu tố sẽ quyết định việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua đến vị trí tổng thống Mỹ trong lịch sử, thì kinh tế đóng một vai trò rất lớn. Dĩ nhiên, người dân Mỹ sẽ xem xét nhiều yếu tố trước khi bỏ phiếu cho một ứng cử viên chứ không phải hoàn toàn vì yếu tố kinh tế, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang hồi phục một cách khá chậm chạp dù cuộc khủng hoảng đã trôi qua được 7-8 năm, thì rõ ràng vai trò của chính sách kinh tế của các ứng cử viên đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là lý do vì sao khá nhiều nhà phân tích đang đặt cược việc ứng cử viên nào sẽ giành chiến thắng dựa vào chính sách kinh tế của từng người.

Xem xét tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ, thì có vẻ như lợi thế đang nghiêng về phía bà Hillary Clinton. Theo Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, thì khi tỷ lệ thất nghiệp dưới 8% các cử tri sẽ có xu hướng bầu cho đảng đang cầm quyền, mà ở đây là đảng Dân Chủ.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ chỉ dao động khá ổn định quanh mức 4,9-5% là mức thấp nhất kể từ năm 2007. Ngoài ra, tần suất số việc làm mới được tạo ra hàng tháng cũng đang rất khả quan, bình quân đạt khoảng 186.000 việc làm/tháng, cùng với đó là mức tăng lương theo giờ cũng tăng khá đáng kể là 2,6% so với cùng kỳ 2015. Tất cả những con số thống kê vĩ mô khá khả quan đó mà chính phủ của tổng thống Obama tạo ra đang trở thành một lợi thế không nhỏ cho bà Hillary.

Tuy nhiên, không phải là không có những yếu tố kinh tế chống lại ba Hillary Clinton và đảng Dân Chủ ở thời điểm hiện tại. Dù các con số thống kê vĩ mô đang có vẻ khá khả quan, nhưng nó lại chính là vấn đề. Đúng là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh và lương thì cũng đã tăng (dù chưa đạt đến mức kỳ vọng), nhưng một thực tế là kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm hẳn lại, chỉ đạt khoảng 1,2%/năm – một mức thấp hơn kỳ vọng là trên 2,5% khá nhiều.

Khi Donald Trump nói rằng báo cáo lao động mới nhất của chính phủ Mỹ là một sự khủng khiếp, thì rõ ràng vị ứng cử viên của đảng Cộng Hòa muốn nói đến việc chính phủ của tổng thống Obama và đảng Dân Chủ đang lấy tỷ lệ thất nghiệp thấp để lờ đi thực tế là kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm hẳn lại, và đang có dấu hiệu rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng kéo dài. Rõ ràng ông Trump có lý, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tính theo giờ đã tăng lên, nhưng lại không kéo theo tăng trưởng kinh tế, thì đúng là nền kinh tế Mỹ đang thực sự có vấn đề.

Và ở thời điểm hiện tại, nhân tố có thể làm đảo lộn hoàn toàn vị thế giữa hai chính sách kinh tế của bà Hillary và ông Trump có vẻ như đang là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo các nhà phân tích, nếu FED quyết định tăng lãi suất ít nhất là một lần từ nay đến cuối năm, nó sẽ đem lại lợi thế cho ông Trump và là một bất lợi cho chính sách kinh tế của bà Hillary.

Lý do chủ yếu nằm ở sự khác biệt chính sách thuế giữa ông Trump và bà Hillary: trong khi ông Trump đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% hiện nay xuống còn 15% để kích thích sản xuất và tăng lợi nhuận, qua đó tăng lương cho người lao động; thì bà Hillary lại đề xuất giữ nguyên mức thuế doanh nghiệp là 35%, và lấy nguồn thu ngân sách từ đánh thuế doanh nghiệp để tăng mức đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - vốn là chính sách được chính phủ của tổng thống Obama thực hiện trong gần 8 năm qua.

Tuy nhiên, nếu FED tăng lãi suất ít nhất là một lần từ nay đến cuối năm, nó sẽ khiến cho chính sách kinh tế của bà Hillary gặp vấn đề nghiêm trọng. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phàn nàn việc thuế doanh nghiệp trong nước hiện đã quá cao và họ đã tính đến việc chuyển nhà xưởng sang các quốc gia khác có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn, và một khi FED tăng lãi suất thì có thể khiến giọt nước tràn ly và kích hoạt một cuộc di chuyển quy mô lớn của các doanh nghiệp Mỹ.

Điều này sẽ khiến thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ tăng vọt, và bà Hillary có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chỉ trích lớn từ phía người lao động vốn lại đang là đối tượng mà ứng cử viên đảng Dân Chủ muốn tranh thủ sự ủng hộ. Còn với ông Trump, nếu FED tăng lãi suấtđó sẽ là một tin vui, vì với đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15% của ông, thì FED có tăng lãi suất vài lần cũng chẳng sao. Thậm chí, mức thuế doanh nghiệp thấp của ông Trump có thể đủ khả năng lôi kéo khá nhiều công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất về nước, đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng việc làm và thu nhập cho người lao động.

Dự đoán của khá nhiều nhà kinh tế vì thế đang nghiêng về phương án ông Trump nhiều khả năng sẽ là người giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua tranh cử hiện nay. Theo tính toán của Oxford Economics, thì ông Trump có thể giành chiến thắng với cách biệt tối thiểu là 50,05% so với 49,95% của bà Hillary. Còn theo nhà kinh tế Ray Fair của Đại học Yale, thì bà Hillary Clinton không thể giành chiến thắng trừ khi nền kinh tế đang có mức tăng trưởng trên 4%/năm (trong khi nền kinh tế Mỹ hiện chỉ đang tăng trưởng 1,2%/năm).

Nói cách khác, các chính sách kinh tế của bà Hillary chỉ là một sự lặp lại gần như nguyên vẹn chính sách của tổng thống Obama (trừ vấn đề các hiệp định thương mại như TPP), trong khi hiệu quả thực tế của các chính sách kinh tế đó đang dần trở nên tới hạn. Và FED có thể đẩy nhanh quá trình đó bằng cách tăng lãi suất đồng USD từ nay đến cuối năm, miễn là trước khi cuộc tranh cử tổng thống hiện nay kết thúc.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
FED sẽ quyết định ai là tổng thống Mỹ tiếp theo?