Một thời, Lê Quang được mệnh danh là "Chúa đảo" bởi anh luôn giúp đỡ các đoàn phim mỗi khi họ ra Long Hải. Thế nhưng, vai diễn để đời trong "Đất phương Nam" cứ tưởng đã giúp Lê Quang leo đến đỉnh cao sự nghiệp nhưng biến cố thời cuộc khiến đời anh dạt trôi về những bến khác nhau.

Gã lực điền Võ Tòng: Cũng từng dạt trôi nhiều bến...long đong

Một Thế Giới | 06/09/2015, 10:45

Một thời, Lê Quang được mệnh danh là "Chúa đảo" bởi anh luôn giúp đỡ các đoàn phim mỗi khi họ ra Long Hải. Thế nhưng, vai diễn để đời trong "Đất phương Nam" cứ tưởng đã giúp Lê Quang leo đến đỉnh cao sự nghiệp nhưng biến cố thời cuộc khiến đời anh dạt trôi về những bến khác nhau.

Gã lực điền Võ Tòng cũng long đong
Có thể nói, “Đất phương Nam” là phim truyền hình dài tập gây tiếng vang những năm 1990. Phim do NSƯT Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và biên kịch dựa trên tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Trên bối cảnh những khu rừng ngập mặn Nam Bộ, ê-kíp dựng lên cuộc sống của những nông dân bình dị thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dù loạn lạc, mất mùa, người dân luôn đùm bọc, yêu thương, động viên nhau vượt qua gian khó. Các nhân vật trong phim đã trở thành hình tượng đẹp trong ký ức nhiều thế hệ như bé An (Hùng Thuận), thằng Cò (Phùng Ngọc), Võ Tòng (Lê Quang), ông Ba bắt rắn (NSƯT Mạnh Dung), bác Ba Phi (nhà văn Mạc Can)...
20 năm sau khi “Đất phương Nam” đóng máy, chàng "Võ Tòng" ngày nào đã bước vào tuổi lục tuần, xuất hiện thường xuyên tại các sân khấu hội chợ với vai trò ca sĩ. Nam diễn viên này vẫn "rùng mình" khi nhớ lại vai diễn để đời của mình trong bộ phim truyền hình. "Đó là những cái đau thân thể cảm nhận được để hóa thân trọn vẹn cho vai diễn", anh nói.
Để trở thành một Võ Tòng can trường và hồn hậu trong phim, chân Lê Quang nhiều lần tứa máu khi đạp phải mảnh chai, gai nhọn và những gốc cây đước dưới lòng sông được người dân vót nhọn mỗi khi thu hoạch. "Gốc đước nằm sâu dưới nước mình không thể biết để né. Mỗi lần giẫm lên, cái đau chạy ngược từ chân lên sống lưng, đau đến chết lặng mà vẫn phải cố diễn", anh nhớ lại.
Để mưu sinh, vừa lo cho gia đình vừa nuôi dưỡng đam mê diễn xuất, Lê Quang làm cùng lúc nhiều việc. Anh từng chụp ảnh, thiết kế, tráng rửa ảnh. Anh còn nhận làm MV cho các ca sỹ trẻ mới vào nghề. Có thời kỳ, chàng "Võ Tòng" gom vải vụn từ các tiệm may về đan thành thảm chùi chân, thảm lau nhà rồi bỏ mối khắp Sài Gòn.
Vài năm trước, nhờ sự dẫn dắt của diễn viên Kim Tính, Lê Quang chuyên sang nghề đi hát ở nhà hàng, quán bar, hội chợ. Khi đó, Lê Quang đang làm chủ nhiệm một phim truyền hình. Anh đã gật đầu đồng ý sau một vài phút đắn đo khi so sánh thù lao của công việc này vói thu nhập thất thường bên phim ảnh. "Việc đóng phim hay làm chủ nhiệm phim ăn theo mùa vụ. Chủ nhiệm một bộ phim có thể nhận được vài chục triệu trong vòng ba, bốn tháng nhưng di chuyển nhiều, quay vòng thế nào đi đâu hết. Bởi vậy tôi phải tính kế lấy ngắn, nuôi dài, có thu nhập ổn định mới yên tâm làm phim", anh nói.
Trừ đi tất cả chi phí đi lại, ăn ở, Lê Quang thu về từ ba đến năm triệu đồng cho một suất hát. Lịch hát của anh hiếm khi trống nên đây được coi là nguồn thu nhập ổn định của anh. Tuy vậy, điều khiến anh vừa vui vừa trăn trở là mỗi khi đi hát, bầu sô vẫn phải mượn danh "Võ Tòng" để bán vé. "Khi tôi bước ra sân khấu, giới thiệu là diễn viên Lê Quang không ai biết. Nhưng khi nói Võ Tòng, khán giả vỗ tay rần rần", Lê Quang kể. Trong số những bài hát được nam diễn viên trình bày, “Bài ca đất phương Nam” cũng luôn là tác phẩm được anh thể hiện thường xuyên.
Lê Quang hiện sống cùng người vợ thứ hai và hai con gái trong căn nhà của gia đình vợ. Anh thường đi hát vào buổi tối còn vợ đi làm từ sáng sớm, vì thế mọi việc trông con, đi chợ, cơm nước cho con... do một tay anh lo liệu. Anh tự nhận mình vừa làm cha vừa làm mẹ trong nhà. "Những khi tôi đi diễn tỉnh, mẹ con cô ấy thường ra ngoài ăn chứ ít khi tự nấu", Lê Quang tâm sự. Trong mắt con gái, Lê Quang luôn là số một, đặc biệt về khoản nấu ăn.
Tình cảm mà nam diễn viên dành cho gia đình khiến bạn bè, đồng nghiệp yêu mến. Diễn viên Kiều Trinh - người được Lê Quang giới thiệu vào vai diễn đầu đời trong phim “Mùa len trâu” chia sẻ: "Nhìn tướng Lê Quang bặm trợn, dữ dằn vậy nhưng tính tình rất dễ thương. Niềm hạnh phúc của anh ấy là nấu những món ăn ngon cho vợ con, hay cùng hai con gái nằm coi phim bộ. Khó có ai rủ được Lê Quang tụ tập, nhậu nhẹt".
Trải lòng về cuộc sống hiện tại, Lê Quang cho rằng anh còn may mắn hơn những người thợ hồ, anh lao công hay người đạp xích lô. "Hết đi quay, đi hát, tôi về nhà đọc kịch bản, nghiền ngẫm nhân vật trong khi họ phải lăn lộn cả ngày ngoài đường, tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. Tôi không thấy xấu hổ khi làm nhiều việc kiếm tiền miễn là lương thiện. Sau này, nếu không đi diễn, đi hát được nữa, có thể tôi sẽ đi bán vé số", Lê Quang nói.
Nghiệp diễn nó kỳ lạ lắm
Ngồi trò chuyện với PV, Lê Quang không còn có khoảng cách với chúng tôi, anh đã thổ lộ hết những tâm tư suy nghĩ của mình sau thành công từ bộ phim “Đất phương Nam”.
Nhân vật Võ Tòng và anh có điểm gì tương đồng?
Tôi giống Võ Tòng đến 5-6 phần tính cách. Nhưng bởi vậy tôi mới khổ. Nếu nhẫn nhịn để sống, cuộc đời tôi có lẽ đã khác. Song tôi không hổ thẹn khi sống đúng với con người của chính mình. Tôi đã trải qua mọi thứ, nên giờ khó ai qua mặt tôi lắm. Bởi vậy, người ta cũng nể Võ Tòng phần nào.
Giờ mỗi lần đóng phim, tôi phải xem mình có đi đến tận cùng trong tính cách của nhân vật đó hay không. Tôi đóng giang hồ, xã hội đen hay thằng nát rượu, tôi muốn những con người điển hình ấy phải nể mình. Một lần, tôi xuống phim trường, thấy tay đạo diễn cứ quát mắng mọi người trong khi tay ôm ấp các người đẹp, tôi nói thẳng: "Xin lỗi, tôi chưa thấy bộ phim nào khốn nạn như ở đây". Nói xong tôi đi thẳng về khách sạn, xếp quần áo về lại Sài Gòn. Người ta cho người lên nói chuyện với tôi, tôi bảo, sẵn anh lên đây, anh đưa tiền xe tôi về đi.
Thế nên anh quyết định về Long Hải ở ẩn một thời gian. Khi quay lại Sài Gòn, anh gặp những khó khăn gì?
Tính tôi kỳ lắm, tôi không bao giờ chủ động mời đạo diễn đi ăn nhậu, cà phê để có vai diễn. Nếu họ có nhân vật nào thích hợp, họ sẽ tự khắc mời tôi. Sau một loạt vai chính vẫn không có dấu ấn nào, thật lòng tôi cũng hơi chán nản nên quyết định về quê buôn bán kiếm sống. Nhưng nghiệp diễn nó kỳ lạ lắm. Vì nó tôi đã từ bỏ công việc nuôi sống gia đình để chạy theo đam mê rồi. Nó cuốn tôi vào vòng xoáy lúc nào không hay. Nghề này khắc nghiệt lắm. Nó khiến tôi rơi vào đường cùng, lang thang không nơi nương tựa. Một người bạn thân là nhà báo, tìm về Long Hải để kéo tôi trở lại với phim trường.
Sống ở quê nhưng thật lòng tôi nhớ nghề lắm, đôi lúc xem tivi thấy bạn bè, người quen lên tivi mình cũng chạnh lòng. Tôi về Sài Gòn, ở nhà người bạn đó. Một thời gian người ta vẫn không kêu đóng phim khiến cuộc sống chật vật. Một năm đóng một hai phim là mừng lắm rồi. Nhưng đóng xong phim lại trở về như cũ, cứ chờ đợi trong vô vọng.
Cuộc đời tôi có nhiều thứ ngộ lắm. Như việc đóng phim, tôi có học trường lớp bao giờ. Rồi chuyển sang ca hát, tôi có được đào tạo thanh nhạc đâu nhưng khán giả vẫn vỗ tay rần rần. Khoảng thời gian đó, tôi mày mò chụp ảnh cho nghệ sĩ rồi quen dần ai cũng tìm đến để chụp chân dung. Tôi học lỏm nghề quay phim rồi làm MV cho các đồng nghiệp trẻ... Tôi làm nhiều thứ để sống. Sau khi ổn định, tôi nhận lời đóng bộ phim “Trùng Quang tâm sử” và “Người Bình Xuyên”. Rồi tôi chuyển hẳn sang làm chủ nhiệm phim. Lúc đó tôi khá có duyên khi làm chủ nhiệm cho các bộ phim điện ảnh như “Nụ hôn thần chết”, “Những nụ hôn rực rỡ”, “Nhật ký Bạch Tuyết”, “Cánh đồng bất tận".
L.K.C/ Đời sống & Pháp luật
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gã lực điền Võ Tòng: Cũng từng dạt trôi nhiều bến...long đong