Cụ thể là 59 trường mới đây đã đệ trình một văn bản ủng hộ đơn kiện của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đối với chính phủ Mỹ liên quan tới quy định thị thực mới đối với sinh viên quốc tế nếu chỉ học trực tuyến trong học kỳ mùa thu.
Theo Reuters, các trường đại học giải thích rằng hướng dẫn của liên bang, vốn vẫn duy trì hiệu lực trong suốt thời gian khẩn cấp, cho phép sinh viên quốc tế tham gia các khóa học trực tuyến trong đại dịch. Dù dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, nhưng chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thay đổi đột ngột và quyết liệt, gây ra tác hại và xáo trộn đáng kể.
Trước đó California đã trở thành bang đầu tiên kiện chính quyền Trump về quy định mới đối với sinh viên quốc tế. Theo đó, vụ kiện được đệ trình lên Tòa án quận Bắc California (Mỹ) nhằm tìm kiếm một lệnh cấm sơ bộ chống lại việc thi hành chính sách thị thực mới đối với sinh viên quốc tế.
Được biết Cơ quan Thực thi hải quan và di trú Mỹ (ICE) hôm 6.7 thông báo du học sinh quốc tế sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu trường đại học mà họ đang theo học chỉ dạy trực tuyến vào mùa thu này. Nếu muốn ở lại, sinh viên sẽ phải chuyển sang các cơ sở giáo dục khác vẫn còn giảng dạy trực tiếp.
Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ngay sau đó đã đệ đơn kiện chính quyền Trump vì quy định thị thực mới đối với sinh viên quốc tế. Đại học Northeastern ở Massachusetts hôm 8.7 cũng tham gia vào vụ kiện.
Mỹ hiện có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đang theo học, chiếm 5,5% tổng sinh viên đại học ở Mỹ và mang lại doanh thu lớn cho các trường cũng như đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Mỹ. Trong năm 2018, sinh viên quốc tế đóng góp 44,7 tỉ USD cho kinh tế Mỹ. Những nước có đông du học sinh đến Mỹ nhất là Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Canada.
Các vụ kiện đã cho thấy phản ứng nhanh chóng của các đại học Mỹ nhằm bảo vệ hàng nghìn sinh viên quốc tế giữa đại dịch. Đồng thời, nó cũng đánh dấu một chiến tuyến mới giữa Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo ngành giáo dục về cách mở cửa trường học an toàn, giữa lúc ông Trump đang nỗ lực tái tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Hoàng Vũ (theo Reuters)