An Minh là một trong 4 huyện vùng U Minh Thượng còn nhiều khó khăn của tỉnh Kiên Giang. Mặc dù những năm gần đây, giao thông nông thôn đã phát triển nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa có đường, học sinh đến trường rất vất vả, nguy hiểm.

Gập ghềnh đường đến trường của học sinh vùng U Minh Thượng

22/04/2020, 11:01

An Minh là một trong 4 huyện vùng U Minh Thượng còn nhiều khó khăn của tỉnh Kiên Giang. Mặc dù những năm gần đây, giao thông nông thôn đã phát triển nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa có đường, học sinh đến trường rất vất vả, nguy hiểm.

Học sinh đi học rất vất vả bởi đường sá tạm bợ - Ảnh: Lê Tháp Mười

Ấp Cán Gáo là ấp vùng sâu của xã Đông Hưng B, H.An Minh, hiện có 404 hộ với 1.660 khẩu, trong đó còn 18 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cán Gáo cho biết: “Hộ nghèo còn có thể phấn đấu hằng năm giảm dần, nhưng chuyện học hành của con em ở đây thì rất khó khăn. Khó khăn nhất là con em ở trong Tiểu khu rừng tràm 34, với 170 hộ, hơn 100 em đang độ tuổi đến trường.

Khi chưa nghỉ bởi dịch COVID-19, muốn đi học các em phải được cha mẹ đưa đón hằng ngày, vì đường từ nhà đến trường chưa có, chỉ có thể đi trên bờ đê vuông bao hoặc bằng xuồng máy. Nhà học sinh gần trường nhất cũng cách 3km, xa nhất đến 9km. Các em từ cấp 2 trở lên thì được gia đình trong Tiểu khu rừng tràm 34 đưa ra đến đầu con đường xi măng, từ đây các em tự đi bằng xe đạp đến trường khoảng từ 3 - 5km, các em nhỏ phải có phụ huynh đưa đến tận trường rồi ở lại chờ con học xong thì đưa về”.

Nhiều học sinh đến trường bằng xuồng máy bởi chưa có đường - Ảnh: Lê Tháp Mười

Chị Trần Thị Vân, ngụ Tiểu khu rừng tràm 34 có con đang học lớp 2, cho biết do con còn nhỏ, đường giao thông chưa có nên chị phải đi lại bằng xuồng máy. Mỗi ngày, chị dậy sớm nấu cơm xong rồi 2 mẹ con cùng “đi học". Do đường xa, đi bằng xuồng máy mất cả buổi nên chỉ có cách đưa con vào học rồi chị ở ngoài ngồi đợi đến hết buổi học lại đưa con về.

Ở Tiểu khu rừng tràm 34 còn rất nhiều trường hợp phải đi học cùng con như chị Vân. Cũng có người bận việc đồng áng thì nhờ hàng xóm đưa đón rồi phụ trả tiền xăng dầu. Chị Ngô Thị Diệu, nhà trong Tiểu khu 34, cho biết hằng ngày chị đưa con đi rồi đón về mất một buổi, vất vả nhưng an toàn bởi địa bàn sông nước không thể nhờ người khác đưa rước cùng lúc nhiều đứa trẻ được. Trẻ con hay đùa nghịch nên đi học bằng xuồng máy của người khác gia đình không an tâm.

Chuyện đường đến trường đã gập ghềnh, học sinh ở đây còn "dở khóc dở cười" khi phải ở nhà học trực tuyến qua mạng internet do giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Theo ông Công, ngoài học sinh ở Tiểu khu 34 không có đường đến trường, các nơi khác dù có đường giao thông nông thôn bằng xi măng nhưng các nhà mạng chưa kéo cáp về phục vụ người dân nơi đây. Các em học sinh học trực tuyến phải đi ra đường lớn ở nhờ người thân hoặc đăng ký sim 4G, nhưng vẫn bị sóng chập chờn không kết nối được.

Em Huỳnh Kim Khánh, học sinh lớp 8/1, Trường THCS Đông Hưng B cho biết nhà em ở trong Tiểu khu 34 nên việc thầy cô triển khai học trực tuyến là không thể được vì ở đây không có sóng 4G. Để học được bằng hình thức trực tuyến, em phải ra ở nhờ nhà bà ngoại nằm ngoài đầu con kênh Sông Trẹm. Gia đình đã mua cho em điện thoại thông minh, đăng ký 4G với giá 120.000 đồng/tháng, nhưng kết nối vẫn bị chập chờn, học được một lúc thì điện thoại bị nóng.

Em Huỳnh Kim Khánh, học trực tuyến luôn bị rớt mạng - Ảnh: Lê Tháp Mười

Tương tự, em Trần Gia Khiêm, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Đông Hưng B chia sẻ từ khi triển khai học trực tuyến em gặp rất nhiều khó khăn. Do không có đường truyền cáp nên gia đình phải đăng ký gói 4G cho em học nhưng sóng yếu, học trên điện thoại 4 tiếng/ngày bị nóng máy, dung lượng không đủ để học trong ngày.

Ông Ngô Thanh Đảm, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đông Hưng B cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có trên 1.000 học sinh theo học ở 3 cấp, đa số còn khó khăn, sinh sống ven rừng tràm, nhất là con em ở ấp Cán Gáo. Học sinh ở địa bàn này muốn đến trường phải đi từ vài đến hơn chục cây số, còn phải qua đò ngang. Hằng năm, khi vận động được tập sách hay tiền thì Hội Khuyến học luôn ưu tiên trao tặng cho học sinh vùng này.

Tuy vậy, địa phương đang lo ngại nhất là đường giao thông nông thôn đến trường, trong đó học sinh trong Tiểu khu 34, với khoảng trên 20km chưa có đường đi lại, nay lại thêm chuyện học trực tuyến càng khó khăn hơn. Ở đây sóng điện thoại còn chập chờn, trong khi các nhà mạng không kéo đường dây cáp internet thì việc học của con em qua mạng sẽ vô cùng khó khăn.

Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cán Gáo Nguyễn Thành Công, cũng vì chuyện học hành đi lại khó khăn như vậy, cả ấp Cán Gáo đến nay chỉ có 4 em học được lên cao đẳng, đại học. Trong thời gian giãn cách xã hội, học trực tuyến tại nhà, các em càng gặp nhiều khó khăn hơn vì lên đại học, các em phải mua máy tính xách tay, đăng ký học qua sim 4G. Gia đình các em đa số thu nhập thấp, chỉ đủ ăn, giờ gánh thêm khoản chi phí tương đối cao này không biết tìm đâu ra.

Em Huỳnh Bảo Trân phải ra nhà ngoại để học trực tuyến - Ảnh: Lê Tháp Mười

Em Huỳnh Bảo Trân, sinh viên năm 2 Trường đại học Tây Đô (Cần Thơ) cho biết, cũng như nhiều bạn học khác trên cả nước, em cũng phải học trực tuyến qua mạng internet. Muốn học được, ba mẹ em đã phải vay nợ mua máy tính xách tay hơn 17 triệu đồng. Ở nhà trong Tiểu khu 34 thì không có sóng internet, mặc dù em đã ra nhà ngoại ở nhờ nhưng sim điện thoại 4G cũng bị chập chờn khó học.

Em Trần Thị Anh Thư (ấp Cán Gáo) - sinh viên Trường đại học Kiên Giang cho biết, từ khi nhà trường cho học trực tuyến theo thời khóa biểu, rồi điểm danh trên mạng, em rất lo lắng. Do không có đường dây cáp mạng internet nên em đăng ký sim điện thoại 4G, dù vậy mạng vẫn không ổn định nên việc học trên điện thoại rất khó khăn, em mong muốn sớm được nhà mạng quan tâm kéo dây cáp về để được sử dụng.

Ông Công cũng mong muốn các nhà mạng quan tâm kéo đường truyền internet về cho học sinh trên địa bàn học trực tuyến theo chỉ đạo chung của ngành giáo dục càng sớm càng tốt. Qua đó, không chỉ giúp cho học sinh trong đợt học tập này mà người dân cũng rất cần thông tin bổ ích từ trên mạng internet để áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất. Ngoài ra, ấp cũng mong mỏi được các cấp các ngành quan tâm đầu tư làm đường trong Tiểu khu rừng tràm 34 nối ra trục đường trong ấp đã hoàn thiện trước đó nhằm giúp cho con em được đến trường thuận tiện không còn cảnh "cha mẹ buộc phải đi học cùng con".

Lê Tháp Mười

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gập ghềnh đường đến trường của học sinh vùng U Minh Thượng