Ngày 23.4 cả nước ghi nhận 1.717 ca mắc COVID-19 (giảm hơn 600 ca so với ngày 22.4) và không có trường hợp nào tử vong.
TP.HCM phát hiện thêm nhiều biến thể phụ mới của Omicron
Tuy nhiên, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ dịch COVID-19 trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) đã phát hiện các biến thể phụ mới của Omicron, gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Những biến thể phụ mới phát hiện tại TP.HCM cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs). "Điều đáng lo ngại là ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi" - đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.
Sở Y tế TP.HCM nhận định việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 trong mấy ngày qua tại TP.HCM và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hiện chưa có báo cáo từ các nước trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs) với tình trạng mắc COVID-19 nặng hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh.
Mặc khác, hầu hết ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, người dân cần tích cực đồng hành cùng chính quyền các cấp tham gia chiến dịch bảo vệ người nguy cơ vừa được thành phố phát động.
Người dân cần chủ động tiêm vắc xin, đeo khẩu trang
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay số ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng và ở ngay tại Hà Nội vừa ghi nhận có 1 bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 sau gần 4 tháng không có ca tử vong nào.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy hiểm cùng với nhiều bệnh truyền nhiễm khác luôn rình rập tấn công, các chuyên gia y tế nhấn mạnh về sự cần thiết tiêm vắc xin cho người có bệnh lý nền như: Tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn… Các loại vắc xin được khuyến cáo ưu tiên tiêm trong bối cảnh hiện nay, gồm: COVID-19, cúm mùa, Prevenar 13 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván… Đây là những vắc xin được chứng minh tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, tránh đồng nhiễm nhiều bệnh cùng COVID-19.
Việc mắc COVID-19 hoặc có di chứng hậu COVID-19 đồng thời mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác có khả năng làm cho bệnh diễn tiến nặng, gây khó khăn trong điều trị và kéo theo nguy cơ tử vong. Đối với các biến thể của vi rút SARS-Cov-2, vắc xin phòng COVID-19 hiện vẫn còn có hiệu quả trong phòng bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm các liều nhắc lại tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh. Do đó, người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng mục tiêu của Việt Nam là giảm tỷ lệ nhập viện, giảm bệnh nhân nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế và giữ vững thành quả chống dịch. Người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều vắc xin COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là với nhóm nguy cơ cao. Bên cạnh đấy cần chủ động đeo khẩu trang, khử khuẩn liên tục để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.