Chi phí đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng giá điện có thể tăng trong năm 2023 sau 3 năm điện không tăng giá.

Giá điện sắp tăng

Tuyết Nhung | 28/02/2023, 18:17

Chi phí đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng giá điện có thể tăng trong năm 2023 sau 3 năm điện không tăng giá.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự báo giá bán lẻ điện năm nay sẽ tăng khoảng 5 - 7%. Ông Lực lý giải giá của các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian qua đều đã tăng mạnh. Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố lỗ hơn 31.000 tỉ đồng. EVN giải thích giá nguyên liệu như than, khí cùng leo thang làm chi phí sản xuất, mua điện tăng đột biến trong khi giá bán lẻ điện bình quân không tăng.

gia-dien.jpg

Theo ông Lực, năm nay, chỉ số lạm phát Việt Nam sẽ tăng ít nhất hết quý 1/2023, ngược lại, thế giới có xu hướng giảm. Vị chuyên gia cũng cho biết lạm phát của Việt Nam có độ trễ so với thế giới. "Chúng ta phải nhập khẩu nhiều, nếu tách và phân tích các chỉ số, nhập khẩu lạm phát đang chiếm tỷ trọng 1/2, một nửa còn lại liên quan đến cung tiền trong nền kinh tế. Có thể hiểu, doanh nghiệp nhập các nguyên liệu về sau đó sản xuất hàng hóa, rồi bán hàng, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cuối cùng cho sản phẩm (nhập khẩu lạm phát) đó, độ trễ mất khoảng 6 tháng", ông Lực phân tích.

Từ ngày 3.2, khung giá bán lẻ điện bình quân mới được áp dụng, mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ gần nhất, giá tối thiểu tăng 220 đồng/kWh, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Việc tăng khung giá chưa làm thay đổi giá điện người dân và doanh nghiệp phải trả.

Dù vậy, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN nhắc đến nhiều lần từ cuối năm 2022. Phản hồi trước ý kiến này của EVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và phải đúng quy định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

"Khung giá bán lẻ điện bình quân" là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng "giá bán lẻ điện bình quân". Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay. Còn giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), áp dụng từ năm 2019 đến nay. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi EVN yêu cầu khẩn trương hoàn thành phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện, trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết chi phí nhiên liệu đầu vào tăng, các chi phí quản lý, sản xuất… tăng trong khi giá bán điện cố định mà không được điều chỉnh thì ngành điện sẽ bị lỗ. Tuy vậy, việc tăng giá điện cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng, vì liên quan đến từng người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Long, giá điện sẽ chưa tăng ngay trong thời gian sớm nhưng khi khung giá bán lẻ điện bình quân tăng thì đây sẽ là cơ sở để nhận định giá điện sẽ tăng trong thời gian tới đây, có thể là từ đầu quý 2/2023, sau khi được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

"Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, lãi suất ngân hàng tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm, khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng. Hơn nữa, sức mua trên thị trường hiện vẫn hết sức ảm đạm. Như vậy, khi quyết định tăng giá điện, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn", ông Long cho hay.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm... Giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Do vậy, để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, các chuyên gia cho rằng có thể tính tới chia lộ trình điều chỉnh ra làm 2 đợt, và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7 - 8%, tránh gây sốc quá lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng, và ngược lại. Hiện giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay, dẫn đến EVN đang mất cân đối tài chính rất lớn. Vì vậy, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2023 sẽ không xảy ra tình trạng quá căng thẳng về nguồn điện do nhu cầu sử dụng điện được dự báo không cao hơn năm 2022, trong khi công suất lắp đặt của các nguồn điện hiện hữu đã lên tới gần 80.000MW và một số dự án nguồn điện lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200MW) dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các tiêu chuẩn phát điện thương mại trong quý 1/2023 sẽ hỗ trợ lớn cho việc đảm bảo cung ứng điện khu vực miền Bắc.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được cân nhắc trên cơ sở tính toán, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN.

Bài liên quan
Giá điện có thể tăng tiếp?
Giống như các nước trên thế giới, ngành điện Việt Nam bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện..., giá cả luôn bị điều chỉnh phù hợp với thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá điện sắp tăng