Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề nóng liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua.

Bộ Công Thương giải trình 7 vấn đề nóng về xăng dầu

Tuyết Nhung | 28/02/2023, 10:05

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề nóng liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua.

Sáng nay (28.2), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Theo đó, hai bộ quản lý chính gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua.

0da9ba71-c26c-43dc-a66d-b5ca05ee4699.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị quyết số 499 của UBTV Quốc hội được ban hành ngày 28.3.2022 đã giao Bộ Công Thương tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. 

Bộ đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết, phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc; hàng tháng đều có báo cáo rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành đúng hạn và có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Theo yêu cầu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Công Thương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Công Thương sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 499 như sau:

Thứ nhất, bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu (cả thành phẩm và dầu thô) trên thị trường thế giới; giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Tỷ giá đồng USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.

Bên cạnh đó, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định. 

Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Thứ hai, về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu

Thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới; đồng thời, Bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Thứ ba, về thực hiện xử lý vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực lọc hóa dầu, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo xử lý các vấn đề của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Khó khăn chủ yếu hiện nay của nhà máy là vấn đề tài chính. Để xử lý các khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, nhà máy và các ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ trì chỉ đạo PVN) trong quá trình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, góp phần duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thứ tư, về dự trữ quốc gia về xăng dầu

Bộ Công Thương đã nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đề xuất: Từ năm 2023-2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối NSNN (hiện nay NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17.2.2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thanh tra Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỉ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng Tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định.

Về nhiệm vụ thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối: Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hiện nay Nhà nước chưa có Kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đã báo cáo Thanh tra Chính phủ và tổ chức họp với Bộ Tài chính để thống nhất giải pháp thời gian tới theo hướng: Trước mắt, để công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia không bị gián đoạn, Bộ Công Thương báo cáo Thanh tra Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản: Tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 17.1.2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia bảo đảm phù hợp với thực tế, gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng; đồng thời, tiếp tục đánh giá kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương thức bảo quản (để chung hoặc để riêng) và xây dựng mức phí bảo quản theo từng phương thức để so sánh, từ đó kiến nghị Chính phủ quyết định phương án bảo quản phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về dự trữ quốc gia xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu

Từ đầu tháng 1.2023, Hệ thống cơ sở dữ liệu về điều hành và quản lý kinh doanh xăng dầu quốc gia đã được đưa vào vận hành. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động để hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống và mở rộng phạm vi áp dụng quản lý đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn quốc.

Thứ sáu, về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xăng dầu

Ngay từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ đã thành lập 3 Đoàn thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu trong cả nước nhằm bảo đảm hệ thống cung ứng, kinh doanh xăng dầu trong nước hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. 

Đồng thời, Bộ đã ban hành 15 công điện, chỉ thị, thông báo kết luận và nhiều công văn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời, tăng cường toàn bộ lực lượng thực hiện giám sát 24/24 ở tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện các cửa hàng ngừng hoạt động và làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp để xác minh, làm rõ nguyên nhân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngừng bán trái quy định. 

Kết quả, trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường của Bộ đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỉ đồng.

Có thể nói, trong năm 2022 đến nay nhiệm vụ này đã được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện liên tục, xuyên suốt và có hiệu quả. Tuy đây là giải pháp tình thế nhưng đã góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước. 

Thứ bảy, về rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu

Nhiệm vụ này được Bộ chú trọng chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu năm 2022. Sau khi có chỉ đạo chính thức của Chính phủ, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, đã tổ chức xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động nhằm tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bên có liên quan đối với nội dung dự thảo Nghị định. 

Đến nay, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…); công thức giá xăng dầu; phương thức điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu… bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bài liên quan
VCCI đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, cho phép cơ sở bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn
Về vấn đề chiết khấu trong bán lẻ xăng dầu, theo VCCI, với cách thức hiện tại, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương giải trình 7 vấn đề nóng về xăng dầu