Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói rằng giá nhà ở trong thời gian đại dịch COVID-19 vẫn đang neo cao vì chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng, giữ giá.

Giá nhà ở vẫn leo thang bất chấp đại dịch COVID-19

09/09/2020, 23:00

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói rằng giá nhà ở trong thời gian đại dịch COVID-19 vẫn đang neo cao vì chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng, giữ giá.

Giá nhà ở vẫn tăng cao dù đại dịch - Ảnh: Phan Diệu

Theo ông Lê Hoàng Châu, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế, xã hội của cả nước và làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản. Đặc biệt, phân khúc thị trường bất động sản cho thuê (nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ… cho thuê); phân khúc bất động sản du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, condotel) và thị trường bất động sản thứ cấp, mua đi bán lại của các nhà đầu tư lướt sóng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không những vậy, COVID-19 đã tác động đến tất cả các doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp hoạt động môi giới, hoặc đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng. Trong 8 tháng đầu năm 2020, thị trường có đến 923 doanh nghiệp bất động sản bị giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 136% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành có doanh nghiệp bị giải thể, ngưng hoạt động cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.

Đáng chú ý, ông Châu nói rằng bất chấp COVID-19 nhưng giá nhà ở tại TP.HCM vẫn có xu thế tăng cao. Giá nhà trong thời gian đại dịch COVID-19 neo cao vì chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng, giữ giá. Thị trường chỉ xuất hiện tình trạng sụt mạnh giá cho thuê bất động sản ở phân khúc nhà phố, cơ sở thương mại, dịch vụ cho thuê. Tình trạng sụt giảm giá bán nhà cũng xảy ra trên thị trường sơ cấp do nhà đầu tư không chịu đựng nổi áp lực trả lãi, trả nợ gốc, phải chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ”.

“Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản nền kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản, thay đổi lớn cả về nhận thức và hành vi của xã hội, của từng người trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh. Trong đó có việc định hình lại nhu cầu nhà ở, tìm kiếm thông tin, giao kết hợp đồng và thanh toán của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp.

Điều này buộc các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản phải thay đổi triệt để nhằm đáp ứng các yêu cầu rất mới này. Doanh nghiệp cũng phải chuyển hướng mạnh mẽ sang nền kinh tế số hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, công nghệ Blockchain, làm việc và kết nối trực tuyến, thanh toán Internet Banking… trong tình trạng bình thường mới, sống chung an toàn với COVID-19”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng nhận định tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới. Việc này sẽ tác động đến tất cả các chủ thể trên thị trường bất động sản, bao gồm các chủ đầu tư dự án; người mua nhà; nhà môi giới; nhà thầu xây lắp; các đơn vị tư vấn; sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất; tổ chức tín dụng; người cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng. COVID-19 sẽ làm giảm sự đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào tăng trưởng GDP và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo thống kê của HoREA, trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng dự án ra mắt tại TP.HCM đã giảm 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, toàn TP.HCM chỉ có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 5 dự án được công nhận chủ đầu tư và 12 dự án được chấp thuận đầu tư. Trong số 20 dự án này, chỉ có 9 dự án mới và 11 dự án cũ được điều chỉnh về quy mô hoặc chỉ tiêu quy hoạch.

COVID-19 cũng khiến các dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bị giảm mạnh đến 69,9% so với cùng kỳ. Không những vậy, cũng trong thời gian này, TP.HCM không có dự án nào được chuyển nhượng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá nhà ở vẫn leo thang bất chấp đại dịch COVID-19