Càng gần Tết, Sài Gòn với người vô gia cư là một Sài Gòn dù dễ sống, nhưng cũng dễ tủi thân. Trong màn sương lạnh của thời tiết những ngày cận Tết, ở các tuyến đường, các ngã tư hay dưới gầm cầu, có không ít người vô gia cư cũng đang đi vào giấc ngủ trằn trọc trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Giấc ngủ nhọc nhằn của người vô gia cư ngày cận Tết

Một Thế Giới | 07/02/2016, 20:24

Càng gần Tết, Sài Gòn với người vô gia cư là một Sài Gòn dù dễ sống, nhưng cũng dễ tủi thân. Trong màn sương lạnh của thời tiết những ngày cận Tết, ở các tuyến đường, các ngã tư hay dưới gầm cầu, có không ít người vô gia cư cũng đang đi vào giấc ngủ trằn trọc trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Về khuya, Sài Gòn chìm sâu vào giấc ngủ, xe cộ trên đường trở nên vắng vẻ đến lạ. Tiếng ồn ào, náo nhiệt, hối hả của của cuộc sống ban ngày được thay bởi sự tĩnh mịch, lặng lẽ.
Trong màn sương lạnh của thời tiết những ngày cận Tết, ở các tuyến đường, các ngã tư hay dưới gầm cầu, có không ít người vô gia cư cũng đang yên giấc trong cảnh "màn trời chiếu đất". Một số người khác vẫn đang tự tìm cho mình một chỗ ngủ qua đêm, để sáng sớm hôm sau lại tất bật, hối hả theo dòng cuộc sống mưu sinh...
Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-1
Giấc ngủ "màn trời chiếu đất" sau một ngày dài vất vả mưu sinh (Ảnh: PD) 
Càng về những ngày cận Tết, có lang thang trên đường phố Sài Gòn mới cảm nhận được nỗi cơ cực của những người không nhà không cửa. Có những người quanh năm chạy xe ôm, xích lô và họ tự chọn cho mình một góc quen và bám trụ ở đó hàng chục năm. Họ ngủ trên những yên xe - chỗ thường dành cho khách và có khi là nơi chở hàng đống hàng hóa.

Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-2
Xích lô vừa là nhà, vừa là giường ngủ của những người này (Ảnh: PD) 
Gần 2 giờ sáng, đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) thưa thớt xe cộ qua lại. Ở một góc đường, ông Nguyễn Văn Cường (49 tuổi, quê ở Quảng Nam) đang ngồi đăm chiêu trên chiếc xích lô cũ, vừa là mái nhà, vừa là chiếc giường còn in hằn những vết khói bụi ngoài trời. Với một người có “thâm niên” ngủ ngoài đường như ông Cường thì chuyện bị muỗi chích và chịu tiếng ồn xe cộ là quá đỗi bình thường.
Ông Cường cho biết ông đã “bám trụ” Sài Gòn gần 10 năm. Ông cùng chiếc xe xích lô rong ruổi khắp nơi, và đến tối, vỉa hè là nhà, chiếc xích lô là giường. Cứ thế, thoắt cái đã gần 10 năm trôi qua. Cầm trên tay chiếc bánh mì đang ăn dở, đã ỉu xìu được gói cẩn thận trong bịch ni lông, ông Cường nói đó là phần ăn tối của ông, vừa được người ta cho.
Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-3
Chiếc bánh mì đang ăn dang dở, ỉu xìu gói cẩn thận trong bịch ni lông là bữa ăn tối vào lúc 2 giờ sáng (Ảnh: PD) 
Mười năm vui buồn trên chiếc xích lô, đó là cuộc mưu sinh của ông Cường. Với ông, cuộc sống quá khó khăn, khắc nghiệt nên chỉ có thể dành dụm từng đồng để sống qua ngày và kiếm tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Người đàn ông khắc khổ này mỗi tháng đều tìm xem có người quen nào về quê để ông gửi dăm đồng bạc cho vợ con. Ngay đến cái thẻ ATM để gửi tiền qua ngân hàng ông còn không có, vì cho rằng thủ tục rườm rà và tốn kém trong khi ông còn phải chạy xe đón khách, chắt chiu từng đồng.
Một ngày trung bình ông chạy xe được trên dưới 100.000 đồng, trừ những chi tiêu ăn uống sinh hoạt thì còn lại ông đều gửi về cho gia đình. Hằng ngày, chuyện sinh hoạt vệ sinh cá nhân ông đều đi nhờ ở phòng trọ của người quen và đây cũng là nơi ông gửi dăm ba bộ đồ. Còn lại, mọi “gia tài” đều được ông gói ghém cất kỹ dưới nệm chiếc xích lô cũ.
 
Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-4
Ông Cường tâm sự, 29 tết năm nay ông sẽ gửi tạm chiếc xích lô cũ này để về quê, nhưng sợ lúc đó không còn xe để về (Ảnh: PD)
Khi được hỏi ngủ ngoài đường có sợ bị mất trộm không, ông Cường chỉ cười trừ. Theo ông, “người ta có tiền nhiều thì còn lo giữ chứ tôi có được bao nhiêu mà bị lấy”, nói rồi ông chỉ tay xuống túi quần và bên dưới chỗ ngồi của chiếc xe, “nếu có thứ gì quan trọng thì tôi chỉ cất ở đây”.
Việc ngủ ngoài đường với ông đã quá quen thuộc, và cũng quen thuộc với nhiều người hảo tâm. Ông vui vẻ kể về những lần được người ta cho thức ăn, áo quần. Vừa nói, ông vừa chỉ tay sang tấm chăn bên cạnh, rồi chỉ vào cái bánh chưng phía sau lưng ông “toàn của người ta cho đó”.
Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-5
 Chiếc bánh chưng được các nhà hảo tâm cho được ông Cường cất kỹ dưới chiếc xích lô cũ (Ảnh: PD)
Ông Cường tâm sự, chiều 29 Tết ông sẽ gửi chiếc xích lô rồi ra bến xe mua vé về quê. Tuy nhiên, chúng tôi lo rằng sẽ khó mua vé nếu ông không đặt trước, nhưng có lẽ ông có kinh nghiệm hơn chúng tôi. Ông nói “người ta thường về trước đó mới khó mua vé, còn mình đến sát Tết mới về chắc sẽ có xe thôi”.
Hỏi ông năm nay chuẩn bị Tết thế nào, ông chỉ cười buồn “lo kiếm ăn mỗi ngày được đầy đủ là may rồi, còn mong chi ăn Tết sung túc hả cô”. Người đàn ông xa quê Tết này chỉ mang về hơn triệu bạc vì mấy tuần nay không có bao nhiêu khách.

Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-6
 Với một người xa quê như ông thì Tết Sài Gòn buồn quá, chỉ mong hết Tết Sài Gòn đông trở lại, các mối khách lại kêu xe ông đi như những ngày bình thường (Ản: PD)
Cũng có năm ông ở lại Sài Gòn đón Tết, vì không có tiền về, nhưng với một người xa quê như ông thì Tết Sài Gòn buồn quá, chỉ mong hết Tết Sài Gòn đông trở lại, các mối khách lại kêu xe ông đi như những ngày bình thường.
Cứ thế, càng gần Tết, Sài Gòn với người vô gia cư là một Sài Gòn dù dễ sống, nhưng cũng dễ tủi thân.
Giac ngu nhoc nhan cua nguoi vo gia cu ngay can Tet-hinh-anh-7
Sài Gòn với người vô gia cư là một Sài Gòn dễ sống, nhưng cũng dễ tủi (Ảnh: PD) 
Ngoài đường, càng về khuya, đường phố lại càng thưa xe hơn, chỉ có container là rầm rập nối đuôi nhau hối hả chạy. Ở một góc đường khác, một số người vẫn đang mất ngủ vì những trăn trở lo âu, khi mà cái Tết đang gần kề.
Thảo Hương – Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc ngủ nhọc nhằn của người vô gia cư ngày cận Tết