Giải thưởng chính VinFuture 2023 được trao cho 4 nhà khoa học có phát minh đột phá, kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.
Tối 20.12, Lễ trao giải VinFuture 2023 diễn ra tại Hà Nội. Hạng mục Giải thưởng VinFuture năm nay gồm giải thưởng chính và 3 giải đặc biệt.
Giải thưởng chính năm nay đã được trao cho 4 nhà khoa học, gồm GS Martin Andrew Green, GS Stanley Whittingham, GS Rachid Yazami, GS Akira Yoshino với phát minh đột phá, kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.
Phát minh này mở ra tiềm năng mới giúp khai thác năng lượng sạch vô tận từ bầu trời. Đây cũng là công nghệ mở ra kỷ nguyên mới lưu trữ và tái tạo năng lượng giúp mọi người trên thế giới có thể sử dụng năng lượng xanh bền vững.
Giải đặc biệt Nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực mới được trao cho 4 nhà khoa học, gồm GS Daniel Joshua Drucker; GS Joel Francis Habener; GS Jens Juul Holst; PGS Svetlana Mojsov.
Nhóm tác giả chiến thắng giải thưởng với công trình tiên phong khám phá vai trò của peptide giống glucagon -1, là nền tảng cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và béo phì hiệu quả, giúp thúc đẩy các liệu pháp điều trị mới đối với các bệnh thoái hóa thần kinh, góp phần kiến tạo một thế giới khỏe mạnh hơn.
Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ được trao cho nhà khoa học người Mỹ - GS Susan Solomon. Bà là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển, có những đóng góp giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozon và vai trò của chất chlorofluorocarbons (CFC) trong quá trình đó.
Phát biểu sau khi nhận giải thưởng, nữ GS bày tỏ sự may mắn khi có những sinh viên, đồng nghiệp, người thầy và gia đình luôn sát cánh và ủng hộ. Theo bà, giải thưởng này góp phần tạo động lực cho các nhà khoa học nữ trong việc nghiên cứu khoa học.
Trước đó, Giải thưởng đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) và GS Võ Tòng Xuân (Việt Nam) với những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa chất năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Đây là lần đầu tiên có nhà khoa học người Việt Nam thắng giải thưởng VinFuture.
Giải thưởng VinFuture 2023 có chủ đề “Chung sức toàn cầu”. Các đề cử đều tập trung vào những công trình và phát minh quan trọng, góp phần giải quyết các thách thức lớn của nhân loại, như sức khỏe, lương thực, môi trường, năng lượng bền vững cũng như ứng dụng của công nghệ trong mọi mặt của đời sống.
Theo BTC, VinFuture 2023 đã thu hút số lượng hồ sơ đề cử kỷ lục, với 1.389 công trình KH-CN đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.