Ngày 12.12 tại TP.Vị Thanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan nói: “Đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp, tôi tuyên bố phát động triển khai đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Khoa học - công nghệ

Giảm phát thải trong nông nghiệp - Bài 1: Đồng loạt triển khai nhiều chương trình lớn, cụ thể

Văn Kim Khanh 19/12/2023 07:05

Ngày 12.12 tại TP.Vị Thanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan nói: “Đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp, tôi tuyên bố phát động triển khai đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Ba chữ "biến" không thể tránh

bt-nn.jpg
Bộ trưởng NN-PTNT xem trình diễn máy sạ lúa - Ảnh: Văn Kim Khanh

Sau lời tuyên bố dõng dạc của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thiết bị bay phục vụ nông nghiệp cất cánh hàng loạt, rồi nhiều máy gieo sạ trình diễn, sau cùng là máy quấn đóng bánh rơm sau thu hoạch… Hàng trăm đại biểu, nông dân vùng ĐBSCL đã mắt với những máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp hiện đại. Trên thực tế, đồng ruộng ở ĐBSCL hiện nay có đến hơn 90% máy móc thiết bị thay con người trong sản xuất nông nghiệp.

bay.jpg
Trình diễn thiết bị bay phục vụ nông nghiệp - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, 3 chữ “biến” ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo ĐBSCL: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Song song đó là phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình.

hoan-4.jpg
Ngày 11.12 tại TP.Cần Thơ đã diễn ra đại hội thành lập ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Ảnh: V.K.K

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong quá trình triển khai đề án, chúng ta sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

gpt-2.jpg
Khai trương "con đường lúa gạo Việt Nam" - Ảnh: Văn Kim Khanh

Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo; hợp tác công tư hiệu quả; sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB, IFC, ADB, IRRI… sẽ là chìa khóa thành công cho đề án.

phat(1).jpg
Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế Cao Đức Phát phát biểu - Ảnh: V.K.K

Các tổ chức quốc tế đồng hành

Hai tổ chức quốc tế quan trọng là Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại lễ công bố cũng đã tuyên bố ủng hộ chương trình 1 triệu hecta lúa giảm phát thải, tiêu chuẩn xanh và chất lượng cao. Đó là một tín hiệu rất mạnh mẽ có lợi cho đề án.

Chủ tịch HĐQT IRRI, ông Cao Đức Phát (cựu Bộ trưởng NN-PTNT) cho rằng: “Đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. Dự án hết sức cần thiết, cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam. Đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. Với tư cách là viện nghiên cứu quốc tế hàng đầu về lúa gạo, IRRI nhiệt liệt hoan nghênh chính phủ Việt Nam đã khởi động triển khai dự án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL tới năm 2030”.

gpt-3.jpg
Gian hàng trưng bày những sản phẩm của ANGIMEX tại Festival lúa gạo quốc tế - Hậu Giang 2023 - Ảnh: V.K.K

Cũng theo ông Cao Đức Phát, IRRI đã có quá trình hợp tác nhiều thập niên với Việt Nam, luôn tự hào đã có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. IRRI rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam và WB đã lựa chọn viện là tư vấn kỹ thuật quốc tế cho dự án quan trọng này. Viện sẽ huy động tối đa lực lượng khoa học với các kỹ năng mới nhất để tham gia thực hiện dự án. Trước hết, là việc cung cấp và phối hợp chọn tạo các giống lúa phù hợp, chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan cũng như đào tạo cán bộ nông nghiệp và nông dân... Tại festival này, viện sẽ ký kết với Bộ NN-PTNT bản ghi nhớ về sự hợp tác dài hạn nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lúa gạo.

gpt-5.jpg
Gian hàng phân lân Ninh Bình - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trong chuỗi hoạt động của Festival lúa gạo quốc tế - Hậu Giang 2023, ngày 13.12 dự án STAR - FARM do EU tài trợ cho các tỉnh ĐBSCL thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh với tổng số vốn hơn 107,6 tỉ đồng đã chính thức khởi động. Bộ NN-PTNT, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức lễ khởi động dự án "Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển ĐBSCL" (STAR - FARM).

Tại lễ khởi động dự án, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Trong bối cảnh thách thức do biến đổi khí hậu và nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ theo định hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam đang phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và duy trì đa dạng sinh học, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu.

Đối với ĐBSCL, việc chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, tăng khả năng chống chịu, trong đó có trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng”.

185217-khoi-dong-du-an-star-farm-tai-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long-hong-thai.jpg
Dự án STAR - FARM do EU tài trợ cho các tỉnh ĐBSCL - Ảnh: Hồng Thái

Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Bộ NN-PTNT đánh giá cao dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển ĐBSCL”. Kết quả của dự án sẽ góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm phát thải trong nông nghiệp - Bài 1: Đồng loạt triển khai nhiều chương trình lớn, cụ thể