Không kịp nộp bản lưu chiểu, thay đổi nội dung bản thảo... là hoạt động thường quy ở ngành xuất bản, nhưng có thể bị phạt tù nếu Bộ Luật Hình sự 2015 thi hành.

Giới làm sách có thể bị phạt tù khi nhiều lần sửa đổi bản thảo

Theo VNE | 24/07/2016, 08:04

Không kịp nộp bản lưu chiểu, thay đổi nội dung bản thảo... là hoạt động thường quy ở ngành xuất bản, nhưng có thể bị phạt tù nếu Bộ Luật Hình sự 2015 thi hành.

Ngày 21.7 tại TP HCM, tọa đàm chủ đề "Bộ luật hình sự liên quan đến in và phát hành" trong lĩnh vực xuất bản diễn ra. Nhiều lãnh đạo của Hội Xuất bản Việt Nam, ngành in và các đơn vị làm sách... đồng loạt nêu ý kiến bức xúc về những quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015 (viết tắt: BLHS) liên quan đến ngành.

Một trong số nhiều điều luật gây hoang mang, bức xúc cho giới làm sách nhiều nhất là điều luật 344. Ở điều này, hàng loạt hoạt động, hành vi vi phạm vốn thường quy trong lĩnh vực xuất bản và chỉ bị xử phạt hành chính, nay bị hình sự hóa lên mức phạt tù.

Ví dụ, chỉ với hành vi "không nộp lưu chiểu..." hay làm "sai lệch bản thảo...", người làm sách có thể bị mức án tới 2-5 năm tù, mức tương đương với các tội hình sự. Trong khi đó, điều luật lại không quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi này phải gây ra hậu quả như thế nào mới nhận mức phạt tương ứng.

Bà Hồng Vân - Giám đốc phía Nam của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - cho biết bà không hiểu được vì sao các hành vi vi phạm chỉ ở mức xử phạt hành chính lại bị nâng lên thành tội nghiệm trọng.

"Việc nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ là khâu thủ tục hành chính. Thực tế hiện nay đa số Nhà xuất bản thực hiện việc nộp lưu chiểu theo đợt. Có khi họ gom nhiều cuốn sách của đơn vị mình để nộp một lần chứ không phải xong một cuốn sách là chạy đi nộp lưu chiểu ngay. Vì vậy quy định trong BLHS 2015 về việc "phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm"cho hành vi này có thể sẽ gây ra phiền hà cho các nhà xuất bản", bà Hồng Vân nói.

Ở điều 344 còn các quy định khiến giới làm sách ngỡ ngàng như: "làm thay đổi, sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt" có thể bị phạt tù từ hai đến năm năm, hoặc "không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Ông Dương Thanh Hoài - Phó giám đốc công ty sách Nhã Nam - nhận xét việc biên tập, sửa đổi bản thảo sách phải trả đi trả lại có khi đến hàng chục lần là chuyện bình thường của các đơn vị. Vì thế, khái niệm "làm thay đổi, sai lệch nội dung bản thảo" là khái niệm quá chung chung, mơ hồ và can thiệp không cần thiết, tạo áp lực không đáng có cho hoạt động ngành.

Về các quy định ở khâu biên tập, duyệt bản thảo, mỗi đơn vị xuất bản có quy định riêng. Khâu này ngay cả Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng không can thiệp vào nội bộ Nhà xuất bản. Vì thế, việc phạt tù về các mức vi phạm này được bà Xuân Hạnh - Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ cho là không hợp lý.

Ngoài ra, BLHS 2015 trong lĩnh vực xuất bản còn được nhiều người phát hiện ra chứa đựng những quy định xử phạt rườm rà, không rõ ràng về vấn đề xuất bản sách điện tử, phát hành sách xưa, sách trước năm 1975 ở miền Nam và trước năm 1954 (miền Bắc), sách in ở nước ngoài. Các cách quy định và cách xử lý ở các lĩnh vực liên quan này không thống nhất, và nhiều mục còn xử lý khác với cả Luật xuất bản đã ban hành.

Những đại diện của công ty sách, NXB tham gia tọa đàm với mong muốn Hội Xuất Bản Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng thay đổi các điều luật chưa hợp lý ở Bộ Luật hình sự 2015.

Theo nhận xét chung của nhiều đại diện Nhà xuất bản, công ty sách, các điều luật trong BLHS được xây dựng với câu từ không chặt chẽ, dễ làm nảy sinh ra những ý hiểu nhầm tai hại. Những con số tiền phạt vi phạm của người làm sách được quy định tỉ mỉ theo hướng "số hóa" các điều luật. Ngược lại, việc xử phạt các vấn nạn in lậu, làm sách giả, xâm phạm bản quyền tác giả chỉ được đề cập sơ sài. Ông Lê Văn Tròn - Phó Chủ tịch Hội in TP HCM - cho rằng nên quy định in lậu là tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bà Thủy Giám đốc Nhà xuất bản Tổng Hợp TP HCM kết luận: "Trong xu hướng phát triển chung của văn hóa, tôi thấy hoàn toàn không nên hình sự hóa các hoạt động xuất bản". Nhiều ý kiến đề nghị Hội Xuất bản Việt Nam nên kiến nghị cơ quan chức năng bỏ điều 344 ra khỏi BLHS. Bởi hiện tại, hoạt động của ngành xuất bản được điều chỉnh theo Luật xuất bản năm 2012 - vốn đã đưa ra các quy định, hình thức xử phạt cụ thể.

Ông Lê Hoàng - Trưởng văn phòng đại diện phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết Hội sẽ hệ thống tất cả các ý kiến đóng góp thành văn bản, đồng thời nhờ văn phòng luật tư vấn để hoàn chỉnh thêm. Văn bản kiến nghị sửa đổi BLHS 2015 sẽ được gửi đến các cơ quan như: Hội Tư Pháp, tổ chức phòng thương mại VCCI, văn phòng chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông, và bộ phận biên soạn BLHS 2015.

Bộ Luật hình sự 2015 đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 ngày 27.11.2015. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 11.7 năm nay với 426 điều luật. Tuy nhiên, vì lý do nhiều điều luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, dân sự, văn hóa... ở bộ luật đã bị người trong ngành lên tiếng là chưa hợp lý khiến Quốc hội quyết định lùi thời hạn thi hành để tiếp tục nhận đóng góp ý kiến nhằm sửa đổi Bộ Luật hình sự 2015.

Theo Thất Sơn - VnExpress
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới làm sách có thể bị phạt tù khi nhiều lần sửa đổi bản thảo