TP.Hà Nội sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án có vướng mắc chưa khắc phục được, dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được giao.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hà Nội dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024

Tuyết Nhung 25/06/2024 16:58

TP.Hà Nội sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án có vướng mắc chưa khắc phục được, dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được giao.

Tại hội nghị lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội ngày 25.6, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo về nội dung điều chỉnh kế hoạch năm 2024, xây dựng định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 cấp TP.

image_gallery.jpg
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị

Phó chủ tịch Quyền cho biết theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2024 được phân bổ là 81.033 tỉ đồng. Trong đó, cấp TP là 47.410 tỉ đồng, cấp huyện là 33.102 tỉ đồng và chi đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần 521 tỉ đồng.

Đến nay, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của TP đến hết ngày 15.6.2024 là 17.175 tỉ đồng, đạt 21,2% kế hoạch TP và trung ương giao. Do đó, để hoàn thành mục tiêu ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 95% cần phải có nhiều giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo đó, phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 được UBND TP đề xuất theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có vướng mắc chưa khắc phục được mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp cần thiết, dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được giao.

Điều chỉnh tăng kế hoạch vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất là các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân cao hơn so với kế hoạch vốn đã giao năm 2024. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024; các dự án có tính khẩn cấp, các dự án trọng điểm, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (văn hóa, giáo dục, di tích).

Thứ hai là các dự án được cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đảm bảo điều kiện bố trí vốn theo quy định để triển khai.

Thứ ba là các dự án mới đã có trong kế hoạch của TP nay đủ thủ tục, điều kiện bố trí vốn theo quy định, cần bố trí kế hoạch vốn để thi công thực hiện.

Về phương án điều chỉnh, đối với nguồn vốn ODA, TP đề xuất điều hòa 6,03 tỉ đồng nguồn ODA cấp phát và 2,97 tỉ đồng nguồn ODA vay lại của dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (dự án tuyến 3.1) để bổ sung cho dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội.

Đối với nguồn ngân sách trung ương trong nước, TP điều hòa kế hoạch vốn giữa các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1 của xây dựng vành đai 4 thủ đô, cụ thể: Điều chỉnh giảm 100 tỉ đồng giao huyện Thanh Oai; 10 tỉ đồng của huyện Sóc Sơn và điều chỉnh tăng 110 tỉ đồng cho quận Hà Đông.

Đối với nguồn ngân sách TP trong nước, điều chỉnh giảm trên 2.516 tỉ đồng của các nhiệm vụ, nguồn vốn cho: Các nhiệm vụ nhưng đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các dự án; 29 dự án cấp TP; của 32 dự án ngân sách TP hỗ trợ mục tiêu; giảm nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

Cũng theo Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền, TP điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2024 là trên 2.516 tỉ đồng cho 202 nhiệm vụ, dự án do có khả năng thực hiện, giải ngân tốt: các dự án cấp TP: Bổ sung trên 1.289 tỉ đồng cho 64 dự án. Trong đó, đề xuất bố trí kế hoạch vốn năm 2024 đối với 4 dự án đã hết thời gian thực hiện theo quyết định phê duyệt dự án, gồm: Dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 để thanh toán khối lượng đã thực hiện (dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2023); 3 dự án có tính khẩn cấp của lĩnh vực đê điều.

Về định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2025, UBND TP đề xuất nguồn vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến là trên 81.392 tỉ đồng, tăng 358,903 tỉ đồng so với năm 2024.

Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, theo rà soát, dự kiến một số nguồn lực kế hoạch trung hạn dự kiến sẽ không khai thác, sử dụng tại kỳ kế hoạch này mà chuyển sang giai đoạn sau (như nguồn thu từ đất, nguồn vốn huy động trong nước); một số nguồn vốn dự kiến khó đảm bảo tính khả thi (như nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu xổ số kiến thiết).

Bài liên quan
Vì sao gói tín dụng 120.000 tỉ đồng giải ngân chưa hiệu quả?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết nguồn vốn 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội (NOXH) chưa được giải ngân hiệu quả. Mặc dù gói tín dụng này đã 2 lần hạ lãi suất nhưng chưa thực sự thu hút người vay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều 28.9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự họp có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024